Cùng Hội cổ động viên Bóng đá Quốc gia Việt Nam ký tên phản đối sự độc quyền phát sóng của kênh truyền hình K+! Tại BinhDinhFFC hoặc tại vff-fan

Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa

Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

Gửi bàibởi Quy Ninh » 20-08-2008, 11:34

Một số Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

*Lễ hội Chợ Gò , huyện Tuy Phước
Mùng một tháng giêng - Tết Nguyên Đán , tại thôn Phong Thạnh ,thị trấn Tuy Phước

*Lễ hội đua thuyền , huyện Tuy Phước
Mùng hai tháng giêng - Tết Nguyên Đán , tại thôn Tùng Giảng ,xã Phước Hòa , huyện Tuy Phước

*Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa huyện Tây Sơn

Mùng 4,5 tháng giêng - Tết Nguyên Đán , tại thị trấn Phú Phong

*Lễ hội Vía Bà , huyện An Nhơn
Ngày 17 tháng giêng , tại thôn Cảnh Hàng ,xã Nhơn Phong .

*Lễ hội Tiên Hiền, huyện Tây Sơn
Ngày 20 tháng giêng , tại thắng cảnh Hầm Hô , huyện An Nhơn

*Lễ hội Đô thị Nước Mặn , huyện Tuy Phước
Mùng hai tháng hai âm lịch , tại thôn An Hòa , xã Phước Quang .

*Lễ hội Làng rèn Phương Danh , huyện An Nhơn
Ngày 12 tháng hai âm lịch , tại khu vực Tây Phương Danh , thị trấn Đập Đá .

*Lễ hội Cầu Ngư , huyện Tuy Phước
Ngày 16 tháng hai âm lịch , tại thôn Nhân An , xã Phước Thuận .

*Lễ hội Làng đúc đồng Bằng Châu , huyện An Nhơn
Ngày 12 tháng 3 âm lịch , tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá .

*Lễ hội Cầu ngư Đề Gi , huyện Phù Cát
Ngày 10 tháng 4 âm lịch , tại thôn An Quang , xã Cát Khánh .

*Lễ hội Cầu Ngư làng Hưng Lương , TP. Quy Nhơn
Ngày 10 tháng 5 âm lịch , TP. Quy Nhơn.

*Lễ hội Đổ giàn ở An Thái , huyện An Nhơn [/color]
Ngày 15 , 16 ,17 tháng 7 âm lịch vào các năm Tý , Dậu , Sữu tại An Thái , xã Nhơn Phúc.

*Lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Quy Nhơn
Ngày 31 tháng 3 dương lịch tại Trung tâm TP .Quy Nhơn .
Quy Ninh
Đội phó
Đội phó
 
Bài viết: 2035
Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03
Đến từ: Quy Ninh - Gia Định
Đã cảm ơn: 0 lần
Được cảm ơn: 2 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

Gửi bàibởi Quy Ninh » 20-08-2008, 12:39

Rủ nhau đi Hội Đổ giàn

“Rủ nhau đi Hội Đổ giàn
Ngày Rằm tháng bảy đò ngang chật đò
Trắng phau đôi cánh con cò
Hội Giàn vui lắm trễ đò uổng công”

(Ca dao).
Những câu ca đó lưu truyền ở quê tôi và tôi đã thuộc lòng bài ca đó từ thuở lên tuổi 9-10.

Hình ảnh
Ngày hội Đổ giàn An Thái. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Hồi còn học trường huyện, tôi có dịp đi với bạn bè cùng lớp lên chơi làng An Thái (xã Nhơn Phúc, An Nhơn), dự Hội chùa Bà, dự Hội Đổ giàn Rằm tháng bảy cho thỏa lòng ao ước từ lâu. Ngồi xe ngựa từ thành Bình Định đi An Thái phải mất hơn tiếng đồng hồ. Đường đất trải đá dăm, tuy ngồi trên xe ngựa bánh xe chạy gập ghềnh, nhưng lũ chúng tôi không thấy mệt mà lòng rất vui. Chúng tôi được đi qua khu kiến trúc họ đạo Kim Châu, được mắt ngắm con đường xe lửa xuyên Việt, được đi qua chợ Cây Bông, cầu Phụ Ngọc; được đi qua những làng xã êm đềm sau lũy tre xanh, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn phơi dưới nắng mai...Đâu cũng đẹp, cũng lạ đối với chúng tôi và làm cho chúng tôi nhìn ngắm say sưa, không ngừng ca ngợi vẻ đẹp đó.

Đến An Thái, điều cảm nhận đầu tiên của lũ chúng tôi là một làng cổ với nhiều chùa chiền, hội quán, một thị tứ bán buôn sầm uất, một làng nghề thủ công làm bún Song Thằn, giấy bản, lò nhuộm… nổi tiếng khắp vùng; nơi có nhiều người Hoa sinh sống, khiến tôi liên tưởng đến những thị tứ Cảnh Hàng, Gò Găng của quê tôi. Buổi chiều ngày đầu tiên của lũ chúng tôi ở An Thái là ngày khai Hội chùa Bà. Chùa trang hoàng nhiều cờ phướn, nghi ngút khói hương và vang tiếng khai kinh tụng niệm. Chúng tôi đi trong rừng thiện nam tín nữ và nhìn thấy hình như ai trong số họ cũng tâm niệm cầu sự xá tội vong nhân và báo hiếu mẹ cha. Ngày thứ hai, chúng tôi xem hát bội, vở tuồng hát lễ là tuồng Cổ Thành, kế tiếp xem Sơn Hậu Thành, lớp Giang Sơn thứ ba. Thật là một cảnh “trong chay ngoài hội” như tiếng đồn. Mới mờ sáng ngày thứ ba, đò dọc trên sông Côn chở những người từ Đồng Phó, Phú Phong (Tây Sơn) đổ xuống; đò ngang chở người từ bên kia bờ sông Côn đổ về. Họ đông lắm, chen chúc nhau dưới bến trên bờ, họ đi xem; và nhờ tìm hiểu, chúng tôi biết trong số họ, có không ít người là dân võ nghệ từ các lò võ trong các làng võ An Vinh, Trường Định, Hòa Phong, Suối Bèo (Bình Khê - nay là Tây Sơn)… đi tranh tài. Vì hôm nay là ngày hấp dẫn nhất trong mấy ngày lễ hội: ngày nhà chùa chẩn tế và đổ giàn.

*Đến giờ Thìn, nắng gắt, lễ phát chẩn đã xong, khoảng một trăm người nghèo và người ăn mày được nhận mỗi người một bì gạo vài cân, kèm theo mấy quan tiền “Minh Mệnh Thông Bửu”. Sau đó là Hội Đổ giàn diễn ra. Một đàn tràng được thiết lập trước cổng tam quan chùa với một giàn giáo ở giữa. Giàn giáo làm bằng bốn cột tre vững chắc, cao độ bảy - tám thước, mặt trước treo một cờ phướn đề bốn chữ: Phước - Đức - Thần - Tài; phía trên đặt một cỗ cúng gồm hương hoa trà quả, gạo muối, vàng mã và một con heo quay nguyên con, đủ “thủ vĩ”, chừng 20kg… Đứng bên cỗ cúng có ông chủ tế, mấy phụ tế cùng người bảo vệ. Ông chủ tế khấn cúng, cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Khấn cúng xong, ông chủ tế phát lệnh đánh ba hồi chiêng trống báo hiệu bắt đầu cuộc tranh tài. Người già, phụ nữ, trẻ em rời đám đông, dãn ra chỗ trống đứng xem để tránh bị chen lấn, giẫm đạp. Đích thân ông chủ tế bưng con heo quay và cỗ lễ vật cúng tung lên cao cho nó rơi xuống. Cử chỉ đó được gọi là xô cỗ (hay xô giàn, đổ giàn). Tức thì, rất nhiều võ sĩ từ đám đông, xô dạt rừng người xem, phi thân lên cao cùng tranh cướp con heo quay. Đám đông ngã nghiêng, sôi lên cực độ. Võ sĩ cướp được heo quay rồi, vác heo trên vai cố chạy ra ngoài liền bị các đối thủ vây chặt, hòng cướp lại. Thế là anh ta phải trổ tài, phải khôn ngoan, phải “tả xung hữu đột” để vừa đẩy lui đối thủ, vừa tìm đường chạy thoát, cố mang cho được “chiến lợi phẩm” về “an toàn khu” đã định sẵn. Trong cuộc “hỗn chiến”, anh luôn có sự hỗ trợ của những người cùng nhóm đã được bố trí và phân công trước, nhất là những võ sư giấu mặt đâu đó “chỉ đạo từ xa” bằng những dấu hiệu cổ vũ. Tại “an toàn khu”, mọi người túm tụm hỏi xem người thắng cuộc là ai, thuộc lò võ, làng võ nào để đám đông nhiệt tình hoan nghênh, khen ngợi. Những người thắng cuộc hết sức vui mừng, nhưng không bao giờ tỏ thái độ tự đắc khiến bên thua buồn phiền; cả kẻ thắng, người thua luôn nêu cao tinh thần thượng võ vốn là truyền thống cao cả của giới võ nghệ vùng đất này. Con heo quay được đem ra xẻ làm nhiều phần, khao chung cho những người vừa tham gia cuộc tranh tài. Các cuộc tranh tài trong Hội Đổ giàn hàng năm, các võ sĩ, các lò võ, làng võ thuộc An Thái hay Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) thường giành được chiến thắng. Cho nên, trong dân gian mới có câu ca:
“Tiếng đồn An Thái, Bình Khê
Nhiều tay võ nghệ có nghề tranh heo”.

Và người ta cũng tin rằng, bên thắng sẽ được hên cả năm, vì nhờ được “lộc thần”. Còn bên thua thì lấy lẽ “thất bại là mẹ thành công” mà “mài sắc ý chí” chờ mùa tranh tài năm sau.

Lễ hội ba ngày đã mãn, lũ chúng tôi trở về với sách đèn, trường lớp, mang theo bao cảm tình sâu xa, bao ấn tượng tốt đẹp của một chuyến đi. Khi ra đi, lũ chúng tôi ca vang bài ca: “Rủ nhau đi hội Đổ giàn…”; nay trên đường về, ngồi trên xe ngựa “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” (thơ Kiều của Nguyễn Du), lũ chúng tôi không ngớt ca vang bài ca vừa mới học thuộc ở Hội chùa Bà - An Thái: “Đồn rằng An Thái, chùa Bà/Làm chay, hát bội đông đà quá đông/Đàn bà cho chí đàn ông/Xem xong ba ngọ lại trông Đổ giàn” (Ca dao).

Hình ảnh
Các võ sĩ Tây Sơn - An Nhơn tranh vật tế (cỗ heo) trong lễ hội Đổ giàn An Thái. Ảnh: Huyền Trân

Lễ hội chùa Bà - An Thái không khác lễ hội chùa Bà nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, như các lễ hội chùa Bà ở thôn Liêm Lợi (xã Nhơn Phong - An Nhơn), chùa Bà ở đường Bạch Đằng (phường Trần Hưng Đạo - TP. Quy Nhơn)…, thế nhưng, xét về tính hấp dẫn thì lễ hội chùa Bà - An Thái vẫn trội hơn. Vì lễ hội này được tổ chức ở một miền quê có truyền thống thượng võ, đã được tổng kết, “vinh danh” trong nhiều câu nói dân gian: “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, và cả trong ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”. Các võ sĩ đến dự Hội Đổ giàn mà chúng tôi được gặp hồi ấy, có cả khách không ngại đường xa từ Khánh Hòa, Phú Yên ra; từ Đắk Lắk, Gia Lai xuống… Họ đến để xem, để cổ vũ và có không ít người còn kết hợp với việc thăm viếng nhau cho “phỉ tình sư đệ, tình đồng môn” đã bấy lâu xa cách.

*Bây giờ nhìn lại lễ hội chùa Bà - An Thái, “xem xong ba ngọ lại trông Đổ giàn” mới thấy hết, mới thấm thía bao ý nghĩa trong lễ hội hấp dẫn này. Đó là một lễ hội văn hóa truyền thống, kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng người Việt và người Hoa cùng sinh sống trên một mảnh đất; lại còn nêu cao tinh thần thượng võ, phát huy truyền thống võ nghệ của miền quê An Thái, An Vinh… Rõ ràng, An Thái với việc thầy giáo Hiến đến mở trường dạy học, với việc ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) đến thụ giáo thầy giáo Hiến và rèn luyện tài lược thao võ nghệ, thì môn võ An Thái, Bình Khê nói riêng, võ Bình Định nói chung, tất có đóng góp rất lớn cho chiến công lẫy lừng của phong trào Tây Sơn. Thiết tưởng việc khôi phục lại lễ hội chùa Bà - An Thái với Hội Đổ giàn là một việc làm chí phải, cần thiết lúc này, nó đáp ứng lòng mong mỏi của người Bình Định, những ai đã trót lòng yêu Bình Định - “Đất võ Trời văn”.

Huỳnh Kim Bửu
Nguồn Báo Bình Định
Quy Ninh
Đội phó
Đội phó
 
Bài viết: 2035
Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03
Đến từ: Quy Ninh - Gia Định
Đã cảm ơn: 0 lần
Được cảm ơn: 2 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

Gửi bàibởi My Lăng » 22-09-2008, 20:45

Rộn ràng lễ hội cảng thị nước mặn

TTO - Ngày 9-3-2008 (mùng 2 tháng hai âm lịch), tại Chùa Bà huyện Tuy Phước, chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức lễ hội cảng thị nước mặn.
Hình ảnh
Hát tuồng khai mạc lễ hội.

Theo các tài liệu lịch sử và tín ngưỡng dân gian lưu truyền, vùng đất An Hòa - Phước Quang (huyện Tuy Phước) xưa kia là vùng biển và đầm lầy. Về sau, sông Côn bồi đắp rồi trở thành một vùng quê ven biển trù phú, dần dần phát triển thành cảng thị nước mặn thuộc hàng lớn nhất xứ Đàng Trong, thành nơi giao lưu mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền của khách Đàng Trong và các thương lái nước ngoài.

Nơi đây, các tiền nhân đã xây dựng ngôi Chùa Bà thờ Tiên Hậu Thánh Mẫu, ghi nhớ công lao của tiền nhân có công xây dựng cảng thị nước mặn, và cầu mưa thuận gió hòa cho các làng chài đi biển.

Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ 9-3 đến 11- 3 (tức mùng 2 đến mùng 4 tháng 2 âm lịch).
Hình ảnh
Các tiết mục dân gian mừng lễ hội.
Hình ảnh
Trò chơi dân gian cắn bánh tráng chạy thi.
Hình ảnh
Dâng hương Tiên Hậu Thánh Mẫu và tiền nhân.

XUÂN VINH
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... eID=246512
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

Gửi bàibởi Quy Ninh » 24-01-2009, 07:45

Quy Ninh đã viết:Một số Lễ hội tiêu biểu ở Bình Định

*Lễ hội Chợ Gò , huyện Tuy Phước
Mùng một tháng giêng - Tết Nguyên Đán , tại thôn Phong Thạnh ,thị trấn Tuy Phước


Chợ miền Đất Võ
Giadinh.net - Bên bờ sông Hà Thanh thuộc thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định có một ngôi chợ tồn tại hàng trăm năm nay. Chợ được mang tên: chợ Gò.

Phiên chợ được nhóm vào ngày mùng Một Tết âm lịch, chỉ một ngày duy nhất trong năm. Người ta đến với chợ không chỉ mua bán đơn thuần mà cái chính là chơi xuân, gặp gỡ bạn bè…

Từ việc "mua vui" cho lính

Ông Bảy Lân, nhà ở cạnh chợ, đã gần "tám mươi lần đi chơi chợ Gò", cho hay: "Tôi lớn lên đã thấy chợ Gò rồi. Tôi có hỏi cha tôi về cái chợ kỳ lạ này, ông chỉ nói một câu gọn lọn: chợ của quân Tây Sơn đấy".
Tương truyền, dưới thời Cảnh Thịnh, năm 1799, quân Nguyễn Ánh tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế - nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng Vương. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800), hai dũng tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh rời Phú Xuân mang ba vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến. Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc dẫn ra đầm Thị Nại để tiếp cận Quy Nhơn được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn là nơi đặt tổng hành dinh.

Hình ảnh
Một góc chợ Gò

Bên núi, bên sông, quãng giữa lại xuất hiện một gò đất khá rộng và bằng phẳng. Chiến đấu liên miên rồi cũng có lúc phải "xả hơi", ba vạn quân Tây Sơn phần lớn là người Đàng Ngoài, Tết đến lại càng nhớ nhà. Để khích lệ tinh thần quân sĩ, vị dũng tướng đã nghĩ ra cách bày trò vui.

Gò đất bên cạnh sông Trường Úc được chọn làm nơi vui chơi của quân sĩ. Người dân quanh vùng thấy thế bèn "góp vui" với đủ các trò chơi dân gian khác. Bình Định là đất võ, đất tuồng, đất bài chòi, các món "ruột" này cũng đủ làm vui lòng quân sĩ ba ngày Tết, quên đi nỗi nhớ nhà.

Nếu chỉ bày trò cho lính vui xuân như thế, khi lính đi rồi thì chợ cũng sẽ giải tán luôn. Tuy nhiên, chợ Gò không những không "giải tán" sau trận thư hùng trên đầm Thị Nại, mà người dân trong vùng còn tiếp tục lưu giữ nó cho đến hôm nay. Người ta bảo đó là cách tưởng vọng của người dân đối với nhà Tây Sơn.

Đến "sân chơi" của một vùng quê

Ông Bảy Lân chỉ về phía khoảng đất trống được dùng làm sân bóng ngay trước nhà mình, nói: "Chợ Gò đấy. Coi bộ buồn thiu vậy chớ đến mùng Một Tết, chen chân không lọt đâu. Dân đi chơi Tết chợ Gò không chỉ là người Tuy Phước mà tận dưới Quy Nhơn cũng lên, tận trên An Nhơn, Phù Cát cũng xuống. Đi gặp bạn gặp bè đấy mà".
Như một quy ước đã thành thông lệ, chợ Gò là nơi gặp gỡ của những người bạn quanh năm bận rộn với ruộng đồng không đi thăm nhau được. Đây là dịp để họ gặp nhau, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn và lai rai với nhau dăm gói nem chợ Huyện cùng vài ly Bàu Đá - loại danh tửu đang bày bán la liệt dọc đường cái quan thuộc địa phận Bình Định hiện nay.

Hình ảnh
Đánh cờ người-một trò chơi trong hội chợ Gò

Đàn ông thì thế, còn đàn bà cắp chiếc thúng, bỏ dăm bảy lá trầu, mươi quả cau hoặc đem ít con vật được làm bằng đất sét ra chợ để bán lấy hên. Vài năm nay, các mặt hàng trong chợ đã phong phú hơn với đủ các chủng loại như một "siêu thị" nho nhỏ. Cả người bán lẫn kẻ mua đều không mặc cả trả treo gì. Ai cũng quan niệm rằng mình đi bán để lấy hên và đi mua cái may đầu năm.

Phần mua - bán là thế, phần "hội" mới là chính. Hàng loạt trò chơi dân gian quy tụ nhiều "tài tử văn nhân" khắp vùng về đây thi thố. Hát bội, hát bài chòi, đi cà kheo, đánh cờ người là những tiết mục được trình diễn trong chợ.

Đặc sắc nhất vẫn là đi quyền, múa võ. Suốt mấy trăm năm tồn tại, chợ Gò chỉ vắng khách trong 9 năm chống Pháp vì sợ máy bay oanh kích, còn năm nào cũng đông vui. Những năm gần đây, ngành văn hóa thông tin đã đưa chợ Gò vào danh mục "vui chơi ngày Tết", vì vậy các trò chơi dân gian và cảnh bán mua cũng xôm tụ và bài bản hơn.

Mùa hè năm 2008, tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn lần đầu tiên, song đáng tiếc địa chỉ văn hóa "chợ Gò" không được tô đậm trong lễ hội gắn với tên tuổi người anh hùng áo vải. Dù vậy, trong tâm thức của người dân Bình Định, chợ Gò là địa chỉ không thể thiếu trong cuộc hành trình du xuân mỗi dịp Tết đến.

Trần Đăng
http://giadinh.net.vn/home/200901140553 ... dat-vo.htm
Quy Ninh
Đội phó
Đội phó
 
Bài viết: 2035
Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03
Đến từ: Quy Ninh - Gia Định
Đã cảm ơn: 0 lần
Được cảm ơn: 2 lần
Blog: Xem blog (0)


Quay về Lễ hội - Du lịch - Ẩm thực

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 3 khách