Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Fri May 22, 2009 2:25 am

Báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay khá nóng về cuộc tranh luận chung quanh cái gọi là lương tâm chức nghiệp của giới thầy thuốc ở các bệnh viện công. Khen có, chê cũng kha khá. Lại có một ý kiến của đồng nghiệp HT bị ném đá tơi bời. Nó như thế này:

Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM. Đọc bài “Bác sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).

Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời, toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?

Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn, phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000 đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?

Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.

Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem.

…..

Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP. Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học BS là khó lắm không?” (??????)

Không cần bình luận gì thêm về tính chất vô giáo dục và cực kỳ ngạo mạn của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế. Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)

Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.

Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi, tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, phàm cứ ít tiền thì hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?

Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi (xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?

Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!

Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết! Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như vậy!

Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc, bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. “Không ăn ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống đối chế độ điều trị, cho ra viện”. Ghê chưa?

Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ. Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe cũng phải giật mình kính phục.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ): “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ!

Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?

vân vân và vân vân…

Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng biết những cách đó là gì!

Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi ổng phán thế này: “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)

Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao giảng. Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận hành guồng máy y tế như bây giờ? Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?

Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ. Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.

Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người. Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!

Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!

Dr. Nikonian
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby vinh hy on Sat May 23, 2009 12:59 am

Ngành nào cũng có chuyện na ná như vậy.
Trót được sinh ra trong thời này thì phải ráng mà sống.
Muốn thay đổi? Thay đổi từ tâm của mình trước. Giúp ích cho xã hội là một từ đao to búa lớn - trước tiên hãy giúp những người trong xóm của mình cái đã.
"Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên mỗi chặng đường đi"
Che Guevara
User avatar
vinh hy
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1110
Joined: Sun Jan 18, 2009 11:07 am
Location: Tuy Phước ; Tp HCM
Has thanked: 16 time
Have thanks: 56 time
Blog: View Blog (0)
Fan of: Binh Định;Arsernal;Pháp
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby binhdinhman on Sat May 23, 2009 11:17 am

Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người. Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!

Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!

Dr. Nikonian

Khi nào con trai học thành tài về nhớ quay về Bình Định giúp đỡ dân nghèo nhé! Phúc đức lắm!
binhdinhman
Thành viên
 
Posts: 8
Joined: Thu Dec 11, 2008 1:32 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Sun May 24, 2009 8:59 am

Một chuyện ghi ở bệnh viện

Chiều muộn, máy tính đã tắt, cô thư ký đã thu dọn xong đám bệnh án bề bộn của một ngày bận rộn. Về thôi, quá đủ cho một ngày tất bật rồi!

- Có một bệnh nhân cần gặp BS gấp, em cho vào nhé?

- Trời đất, sao mà đến trễ quá vậy! Làm hồ sơ đi (thở dài)

….

Đã lâu lắm rồi, tôi vẫn chưa quên được nét mặt của người phụ nữ phương Tây đang ngồi trước mặt mình hôm đó.Thờ thẫn, mệt mỏi, xanh xao cùng cực! Nhưng L.-hãy tạm gọi bà ấy là L[1]-, đã khai bệnh với tôi bằng một giọng rành rọt, khúc chiết từng tiếng một:

- Bác sĩ, tôi bị bệnh X, đang dùng thuốc Y này, BS của tôi đã kê toa cho tôi trong nhiều năm

- Tôi không thể tìm được thuốc này ở Việt nam. Xin refill (kê toa tiếp) và chỉ giúp cho tôi nơi nào có thể mua được thuốc này

- Tôi mệt mỏi quá!

Im lặng hồi lâu…

Đúng vậy, món thuốc mà người phụ nữ cần đến, vốn cực kỳ hiếm hoi trong thị trường dược phẩm bát nháo của Việt nam. Mà đã dùng thuốc này, thì không thể thiếu nó được, dù chỉ một ngày. Thật may, sau một hồi gọi điện thoại tứ tung, tôi tìm được một nhà thuốc có bán loại này.

- Toa thuốc của bà đây, tôi chỉ refill đúng thứ bà cần. Hãy đến địa chỉ này để mua nó.

Chỉ thế thôi, case bệnh cuối ngày dường như không thể đơn giản hơn. Không cần động não làm chẩn đoán, không cần vắt óc ra xem xét các xét nghiệm, không cần cân chỉnh liều thuốc. Tất cả những gì tôi làm, là kiểm tra lại toa thuốc và chẩn đoán trước đó của một đồng nghiệp, và kê lại toa thuốc đã cho. Người đàn bà ấy cần toa thuốc và chữ ký của tôi để mua thuốc, vậy thôi!

Nhưng chuyện không chỉ ở đó, nếu như sau lời dặn dò tái khám như thông lệ, tôi nghe được một câu khẽ khàng, nhưng nặng trĩu và buồn thảm lạ thường:

- Tôi sẽ quay lại khi cần, dễ thôi. Vì chồng tôi đang nằm viện ở đây, thưa bác sĩ.

- Chồng tôi đang chết (?)

Sẽ chẳng bao giờ, tôi quên được ánh mắt đau đớn nhưng đầy ắp yêu thương của người đã nói câu đó, một cách điềm tĩnh lạ lùng như vậy. Bà ta không bịa chuyện. Chỉ google chưa đầy một phút, tôi đọc được vô số tin về câu chuyện tình của bà ta, một nữ đạo diễn Pháp, với một người đàn ông Việt nam, kém bà 5 tuổi. Họ cùng làm việc thiện nguyện, rồi yêu nhau…như trăm ngàn tình yêu sáng nở tối tàn trên cõi đời này.

Nhưng người đàn ông mắc bệnh ngặt nghèo sau khi họ yêu nhau. Mặc, người đàn bà vẫn yêu, vẫn hết lòng chăm sóc, cùng người mình yêu chiến đấu với tử thần. Cuộc chiến thầm lặng, can đảm và khốc liệt đó, nở hoa bằng một đám cưới ngay trong bệnh viện, khi người đàn ông đang đếm những ngày cuối cùng của đời mình trên giường bệnh.

Hãy kể cho tôi một câu chuyện nào khác, cảm động và vĩ đại hơn tình yêu của hai con người này?

Tôi không được may mắn tham dự đám cưới của họ. Tôi không được cầm máy ảnh, ghi lại những khoảng khắc mà tình yêu mạnh hơn sự chết đó. Tất cả những gì tôi làm, chỉ là một bó hoa nhỏ. Để bày tỏ lòng kính trọng và khâm phục. Chỉ thế thôi!

Không gì lớn lao, cao siêu, vĩ đại trong bó hoa của tôi cả. Cũng như cái toa thuốc kê lại từ một đồng nghiệp khác.

Vậy mà, ngay hôm sau, tôi nhận được một tấm thiệp cưới gởi muộn của họ, với nét chữ rắn rỏi, không hề run rẩy của người vợ:



“BS thân mến,

Cảm ơn rất nhiều vì món quà và những suy nghĩ tốt đẹp của ông

Chúng tôi thật may mắn vì chung quanh là những người đáng yêu, quảng đại như ông”

Hai ngày sau, người chồng qua đời. Không có kết cục nào khác, với căn bệnh hiểm ác này.

“Đáng yêu”, “quảng đại”, ‘tốt đẹp”…Không, thưa bà. Xin bà cho phép tôi, được dùng những từ ngữ này để dành cho tình yêu đẹp đẽ, cuộc chiến đấu với tử thần đầy can đảm của ông bà. Xin bà, hãy cho tôi nói một điều: chính bà, chính tình yêu của ông bà, đã dạy cho chúng tôi một điều vô cùng lớn lao mà đơn giản: khi cho là đã nhận, khi yêu thì còn quí giá hơn là được yêu.

Xin đừng cảm ơn tôi. I just do my job- tôi chỉ làm công việc của tôi. And you pay for it – và bà đã trả tiền cho việc đó. Có chi cao xa, phức tạp nếu như tôi dành thêm dăm phút vào cuối giờ làm việc, chỉ để sao lại một toa thuốc mà bà đã dùng? Có chi ghê gớm, nếu như có chữ ký của tôi, bà mới mua được loại thuốc bà cần? Mọi đồng nghiệp khác của tôi, đều sẽ làm như thế cho bà, thưa bà L. đáng kính trọng! Không có tôi, cũng sẽ có người khác làm.

Điều nhỏ nhoi đó, tôi đã làm đúng lúc bà cần.

Nhưng lời cảm ơn của bà, đã dạy tôi một bài học lớn lao khác: Chính trong lúc nguy nan, khi lòng ta tuyệt vọng, khi tim ta mệt mỏi, thể xác ta chán chường. Thì chỉ cần một ngón tay đưa ra, một cử chỉ thông cảm, một ánh mắt ân cần từ một người khác, lại quí giá với ta biết chừng nào!

Cái tôi không hề đáng ghét, nếu như cái tôi của mỗi chúng ta luôn tìm đến sự sẻ chia từ một kẻ khác, một đồng loại!

Tôi học điều lớn lao ấy từ bà, để tự răn mình đừng bao giờ hà tiện lòng chia sẻ. Để tự trách mình, có những lúc để lòng chật hẹp.

Vì sẽ có lúc, tôi cần đến một bàn tay đồng loại, như bà vậy, thưa người- bệnh- nhân- không -bao -giờ -quên- được của tôi!


--------------------------------------------------------------------------------
[1] Để tôn trọng sự riêng tư, xin không tiết lộ danh tính và bệnh tật của những nhân vật trong câu chuyện có thật này.
Dr.Nikonian
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby only4u on Fri Jun 19, 2009 5:57 am

Khỏi bệnh tâm thần hoang tưởng nhờ... mổ

Lần đầu tiên ở VN, một bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thể hoang tưởng đã được y học can thiệp thành công bằng ca mổ, điều còn mới mẻ ngay với cả thế giới.

Kỳ tích này vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại - Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lập nên.

Người được phẫu thuật thành công là anh Hoan, 28 tuổi, ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. Hiện anh đã hồi phục sức khoẻ, tinh thần ổn định, ăn uống, sinh hoạt bình thường và quan trọng nhất là đã hết… hoang tưởng.

Theo bác sĩ Đào Văn Nhân, Phó trưởng Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, hoang tưởng là một trong rất nhiều thể của bệnh rối loạn tâm thần. Người bệnh thường có những biểu hiện như đăm chiêu, khẩn trương, lo lắng vu vơ lạ thường…

Cũng theo bác sĩ Nhân, phẫu thuật thần kinh chấn thương và thần kinh bệnh lý đã phát triển từ lâu, nhưng phẫu thuật thần kinh chức năng như trong trường hợp này ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu, phát triển.

Image

Anh Hoan đang nói chuyện vui vẻ với người thân sau ca mổ 3 ngày. Ảnh: Kiều Mi.

Các triệu chứng của bệnh hoang tưởng lần lượt xuất hiện với Hoan từ ngày 30/4/2002 khi đang học năm hai, Trường Đại học Hàng hải, bà Xuân, mẹ của anh nhớ lại. Lúc đầu, Hoan chỉ bị đau đầu, gia đình cứ nghĩ con bị viêm xoang nên chỉ dùng thuốc trị viêm xoang. Tuy nhiên, bệnh ngày một nặng. Hoan bắt đầu có những biểu hiện ít ngủ, mặt buồn rầu, đăm chiêu khó hiểu.

Sau đó, Hoan bắt đầu có những lời nói rất không bình thường. Lúc thì cậu nghĩ mình là lãnh đạo, từ giọng nói đến điệu bộ cũng hết sức trang trọng trông rất buồn cười, lúc lại lo sợ kẻ nào đó rình rập định ám sát mình. Thậm chí có lúc Hoan còn đòi bố mẹ đuổi hết người giúp việc trong nhà vì sợ họ… ám sát.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, cha mẹ Hoan đã lặn lội đưa con chạy chữa khắp nơi, ngay cả ra nước ngoài, nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm.

Điều mà ông Lâm, bố của Hoan buồn nhất là con đường học vấn của con trai dang dở. Ông cho biết, trước khi bị bệnh, Hoan học rất giỏi. Năm 2000 thi đậu 2 trường đại học, sau đó cậu quyết định chọn trường Hàng hải. Trong quá trình học, Hoan cũng luôn là sinh viên có hạnh kiểm và học lực tốt. Thế mà đùng một cái lại ngã bệnh.

Khi bệnh bắt đầu nặng, Hoan bỗng nhiên rất thích tiền. Lâu lâu lại đòi bố mở két cho xem tiền và có vẻ rất thích thú. Hoan cũng rất sĩ diện và tự cao khi đòi bằng được cha mẹ mua cho một ngôi nhà đứng tên mình và cắt khẩu nhập về ngôi nhà này. Hoan còn đòi bố cho “làm việc” ở công ty gia đình để hàng tháng nhận lương chứ không muốn xin tiền bố mẹ…

Sau nhiều năm chữa trị bất thành, cơ hội trở lại bình thường với Hoan đã đến khi gia đình tiếp xúc với Bệnh viện đa khoa Bình Định. Để thực hiện thành công ca mổ kéo dài 4 tiếng này là cả một quá trình chuẩn bị hết sức công phu của các bác sĩ.

Image

Các bác sĩ tiến hành ca mổ cho Hoan tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ảnh: Kiều Mi.

Bác sĩ Đào Văn Nhân, một trong 5 thành viên của kíp mổ cho biết, đây là một ca phức tạp vì vị trí cấu trúc giải phẫu rất khó.

"Trước khi mổ, chúng tôi phải tiến hành đồng thời chụp CT và chụp MRI, để vận dụng điểm mạnh của mỗi loại. Sau đó “trộn” 2 kết quả lại với nhau, dùng hệ thống định vị để chọn điểm vào (vị trí để mổ). Có như thế mới tránh được tổn thương não, tránh gây ra các biến chứng sau khi phẩu thuật cho bệnh nhân".

Ba ngày sau khi được phẫu thuật, Hoan trông rất lanh lợi, cười nói vui vẻ khi được mọi người hỏi chuyện. Anh còn hát cho một vài bài mà mình yêu thích và nhớ được cả tên những bài hát này.

Tiến sĩ Phạm T.ỵ, Giám đốc bệnh viện, người trực tiếp thực hiện ca mổ đầu tiên này không giấu tự hào: "Từ trước đến nay, chưa có bệnh viện cấp 1 nào ở nước ta mổ thành công đối với các bệnh nhân tâm thần, nhưng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã mổ thành công 3 trường hợp và đây là trường hợp đầu tiên bệnh nhân bị tâm thần ở thể hoang tưởng".

Tiến sĩ T.ỵ cũng khẳng định các dạng bệnh thần kinh, ngay cả thần kinh chức năng, hoàn toàn có thể mổ thành công, giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng. Thành công trên đã mở ra một triển vọng mới cho những bệnh nhân tâm thần khác.

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/06/3BA1051E/
Football's just not a game, it's a way of life

0908.346.344
Reddevil123vn@yahoo.com

only4u
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Posts: 950
Joined: Thu Apr 15, 2004 6:46 am
Has thanked: 9 time
Have thanks: 3 time
Blog: View Blog (0)
Fan of: Bình Định, ManUtd
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby thaonguyen on Sun Jun 21, 2009 6:21 am

Không ngờ cái diễn đàn bé nhỏ này lại có chủ đề hay như vậy. Tui đọc mấy ngày luôn. Đọc xong xin có đôi lời:
Bác sỹ Phạm Tỵ là người vừa có tài có tâm. Tôi từng gặp ông và được ông khám cho tôi ngay trong văn phòng khoa ngoại khi tôi gập ông để phản ánh một bác sỹ xấc láo với bệnh nhân. Khám xong, ông cám ơn tôi và hứa sẽ tìm hiểu và xử lý vụ việc này hết sức nghiêm túc.
Tôi biết, dù tài năng nhưng với tính cách cương trực của mình ông cũng có không ít kẻ thù. Có một điều tôi khá bất ngờ là trong một dd bóng đá như thế này là có nhiều kẻ thu rắp tâm gieo tiếng xấu cho ông đến thế.
Tôi luôn tin ông Phạm Tỵ. Với tài-tâm-tầm của mình, một ngày rất gần đây thôi, Bv đa khoa Bình Định sẽ trở thành một bv mang tầm khu vực.
sau đây là một bài báo tôi mới cóp nhặt được nơi báo tuổi trẻ

Thứ Bảy, 20/06/2009, 21:41 (GMT+7)

Cám ơn các y bác sĩ BV Bình Định

TTO - Mới đây, trong lúc đi về nhà ở đường Chu Văn An, P. Lý Thường Kiệt (TP. Quy Nhơn, Bình Định), con trai tôi bị một thanh niên say xỉn tông thẳng vào, rồi bỏ trốn, bỏ mặc nằm sóng soài trên đường. Tôi lập tức đưa con tôi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
[ Hình ảnh ]

TS.BS Phạm Tỵ (trái) cùng BS Tôn Thất Quỳnh Út đến tận giường bệnh của bệnh nhân

Mặc dù đã hơn 9 giờ tối, nhưng các y, bác sĩ của khoa ngoại thần kinh và cột sống đã nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân và điều trị. Ngày hôm sau, hai bác sĩ trẻ Tôn Thất Quỳnh Út, cùng bác sĩ Hải đã trực tiếp mổ vết thương sọ não cho con trai tôi. Được sự tận tình chăm sóc của các anh, đến nay, vết thương đang trên đà hồi phục.

Trong những ngày có mặt tại bệnh viện, tôi chứng kiến sự tận tình và chu đáo của tập thể lãnh đạo bệnh viện cho đến y, bác sĩ của khoa ngoại thần kinh và cột sống. Các bác sĩ Út, Văn Nhân, Trọng Nhân, Trung, Trúc… luôn có mặt bên giường bệnh của bệnh nhân để hỏi han, chăm sóc từng người một thật ân cần, chu đáo dù tôi biết rằng, mỗi ngày các bác sĩ phải mổ cả chục ca bệnh, không chỉ tại Bình Định mà “tiếng lành đồn xa” đến tận Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi.

Ngoài các bác sĩ, các bạn điều dưỡng viên tốt nghiệp trường trung cấp y tế: Phạm Thị Gái, Mỹ Lộc, Quyện…đã phải thức trắng đêm bên giường bệnh để truyền máu, thuốc cho bệnh nhân. Từ bệnh nhân cho đến thân nhân đều rất biết ơn những bóng dáng màu blouse trắng.

Chúng tôi rất biết ơn TS. BS Phạm Tỵ - giám đốc kiêm trưởng khoa ngoại thần kinh và cột sống đã xây dựng cho bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định một môi trường làm việc cho các y, bác sĩ thật tuyệt vời. Các anh thật xứng đáng với danh hiệu: “Lương y như từ mẫu”. Nếu trên cả nước này, ai cũng có tinh thần như các y, bác sĩ khoa ngoại thần kinh - bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thì bệnh nhân nào cũng rất yên tâm.

NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG
thaonguyen
Thành viên
 
Posts: 38
Joined: Sat May 30, 2009 11:46 pm
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Sat Jul 04, 2009 5:19 am

Sáng nay đọc bài này trên : http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/07/3BA10CC1/

Thấy trên ơời cũng có nhiều người Tâm thần mà luôn nghĩ mình là vĩ nhân !!! - Đặc biệt , phương pháp Mổ sọ não cho bệnh nhân Tâm thần thì cũng được bài viết đề cập là trên thế giới từ tâập niên 1980 đã không còn làm nữa vì " chất lượng cuộc sống thật sự của bệnh nhân " _ Lẽ nào vì " Họ là bệnh nhân Tâm thần nên cứ mổ ... cũng chả ai đáng giá được kết quả ...? " - Câu trả lời xin dành cho các nhà chuyên môn. Riêng tôi , nếu cứ đọc thông tin kiểu này, căắc sẽ đến lúc mình cũng bị Tâm thần mất...he...he..
Cuối tuần cả nhà Binhdinhffc vui vẻ nhé !!!


Những 'thiên tài' trong bệnh viện tâm thần

Quần áo chỉnh tề, nói năng chỉn chu từng câu với nội dung mang đậm tính “chính trị”, Tuấn (21 tuổi), nhà ở Đồng Nai, cho rằng mình phải luyện dần như thế để khi chính thức làm quan to thì sẽ không gặp khó khăn.

Đầu tháng 6, khi khát vọng "muốn ngay lập tức làm tướng" của Tuấn đi quá sự chịu đựng của bố mẹ, anh được đưa đến bác sĩ tâm thần.

Trước mặt bác sĩ tâm thần, Tuấn vẫn nghĩ “là người có chức to thì cũng có lúc phải đi khám bệnh. Ai mà chẳng từng nhức đầu đau bụng” và rồi quay sang vị bác sĩ, bảo: “Đồng chí khám nhanh nhanh giúp bởi tôi còn phải soạn thảo một số dự án trình cấp dưới”.

Mẹ Tuấn cho biết, từ cách đây 4 năm Tuấn đã có dấu hiệu khác thường, nhưng gia đình cứ tưởng cậu nhỏ là “báu vật” của gia đình, là “bỗng dưng nhà ta sinh được một con người có tố chất lãnh đạo sẽ làm rạng danh tổ tiên” nên không nên cho đi thăm khám.

“Thật bất ngờ khi nghe bác sĩ nói con mình bị bệnh tâm thần. Lúc 18 tuổi, tôi đã thấy hành động của Tuấn chỉn chu dần. Tuấn ít khi quan tâm đến cảnh buôn bán ở quán tạp hóa của bố mẹ, sống khép kín. Đi học về, Tuấn vào phòng ngay, rồi đọc rồi viết. Tuấn ít nói hẳn nhưng những khi nói thường chỉ nói về những vấn đề chính sách, đường lối. Nghĩ con thích làm chính quyền, vợ chồng tôi lúc ấy lại vui vui. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, cháu liên tục đòi mua vé máy bay ra Hà Nội để nhận chức, tôi mới bắt đầu nghi và đưa con đi khám”, người mẹ đau buồn nói.


Bị tâm thần phân liệt 4 năm, không nghĩ mình là vĩ nhân, nhưng sinh viên 20 tuổi này luôn nghĩ mình vô dụng. Ảnh: Thiên Chương.

Không đến mức muốn làm lãnh đạo như Tuấn nhưng từ 3 năm trở lại đây, Thành nhà ở quận 4, TP HCM lúc nào cũng nghĩ mình sẽ là Bill Gates. Mua thật nhiều sách về thần tượng của mình, nghiền ngẫm đọc rồi cho rằng mình có tố chất thiên tài giống như Bill.

“Chúng tôi mừng lắm vì gia đình là dân lao động chân tay, cứ nghĩ thằng con này đổi máu, không biết giống ai mà lại được như vậy. Nhưng dần dần, chúng tôi phát hiện nó chỉ nói những chuyện to tát trên mây. Máy laptop vừa mua, phút chốc đã bị Thành tháo tan tành nhưng không ráp lại được. Chiếc máy để bàn cũng bị 'Bill' tháo rời từng bộ phận rồi vứt chỏng nhơ. Về nhà gặp ai nó cũng chê dốt”, bố của Thành than thở.

Cùng suy nghĩ mình là vĩ nhân như Thành và Tuấn, Hải (20 tuổi) sinh viên năm nhất của một trường đại học dân lập nhà ở Tân Bình bảo với gia đình, sau 4 năm nghiên cứu sách vở và tự học, anh đã trở thành tiến sĩ tâm lý. Ban đầu gia đình cũng rất phấn chấn vì nghĩ con có đam mê lành mạnh. Nhưng đến khi phát hiện Hải thường xuyên độc thoại, mà cậu nói là tư vấn tình cảm cho những người cầu cứu, cả nhà mới vỡ lẽ đưa đi khám tâm thần.

Không dừng lại ở mức nghĩ mình là vĩ nhân, sau một thời gian nhốt mình trong phòng riêng, luyện thanh và chính thức công bố mình đã trở thành ca sĩ nổi tiếng, Bảo, quê ở Long An yêu cầu gia đình phải thuê vệ sĩ để bảo vệ anh để khỏi bị các ca sĩ khác vì ganh ghét mà cắt cổ. Sợ mình không thể giữ được chất giọng, Bảo ít nói hẳn và kiêng ăn. Bất cứ món ăn gì Bảo cũng cho là có thể là hư giọng.

“Đi đâu nó cũng bịt khẩu trang với dáng vẻ len lén như trốn tránh sự theo dõi của người khác. Thân thể ngày càng gầy do kiêng ăn. Suy nghĩ “con mình mê ca hát” của vợ chồng tôi tan biến, thay vào đó là sự lo lắng trước những biểu hiện ngày càng bất thường của con. Đến bác sĩ mới biết con mình bị chứng hoang tưởng”, anh Bảy, bố của Bảo nói.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, chứng hoang tưởng là một thể của bệnh tâm thần phân liệt. Chưa có thống kê cụ thể số bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người bị tâm thần, tuy nhiên, lượng người mắc chứng này đến khám không ít.

Theo bác sĩ Trụ, hiện y học chưa có phương pháp can thiệp để trị dứt chứng hoang tưởng và uống thuốc chống loạn thần được xem là cách phổ thông nhất giúp giảm triệu chứng.

Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa - Đồng Nai), các bác sĩ cho biết cũng tiếp nhận các bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng. Hầu hết đều ở thể nặng do bệnh đã xảy ra trong thời gian dài.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chứng hoang tưởng có thể xuất phát từ hai thể, một là do chứng tâm thần phân liệt, kế đến là do chứng loạn thần cấp.

Hoang tưởng do tâm thần phân liệt là trường hợp tất cả chức năng tâm thần bị chia cắt, bệnh nhân ra rời thực tế, nặng hơn có thể sa sút nhân cách. Nguyên nhân theo tiến sĩ Thọ vẫn chưa được xác định cụ thể tuy nhiên các nhà chuyên môn nghĩ nhiều đến khả năng di truyền, nhiễm virus từ thời nào đó, yếu tố xã hội, các chất dẫn truyền thần kinh bị biến đổi, yếu tố sinh học gây teo vùng não trán... Còn hoang tưởng do loạn thần cấp chỉ mang tính hiện tượng tạm thời (thường do stress, sản phụ sau sinh, bất ngờ thay đổi hoàn cảnh sống).

Với chứng hoang tưởng do loạn thần cấp, bệnh nhân có thể được điều trị dứt bệnh còn hoang tưởng do tâm thần phân liệt hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị tiệt căn mà chỉ có thể can thiệp bằng các loại thuốc chống loạn thần trong thời gian dài.

Tuy nhiên cũng theo ông Thọ, khi nghi ngờ một người bị hoang tưởng, lệch lạc trong suy nghĩ, người nhà cần khuyên người bệnh đến các phòng khám tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phát hiện được hoang tưởng ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho điều trị có hiệu quả hơn và tiên lượng bệnh tốt hơn.

Riêng phương pháp phẫu thuật não trị chứng hoang tưởng, bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết thế giới từng áp dụng nhưng đã phải dừng từ thập niên 80 của thế kỷ trước do một số tai biến trầm trọng mà phương pháp này gây nên.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cũng cho biết, phương pháp phẫu thuật chưa được thực hiện tại bệnh viện này, tuy nhiên theo ông biết việc mổ não, cắt đứt đường dẫn truyền thần kinh gây chứng hoang tưởng có thể khiến bệnh nhân sau đó bị đờ đẫn.

Thiên Chương
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby ngmai on Sat Aug 29, 2009 9:26 am

Một bài viết hay. Xin cảm ơn!
ngmai
Thành viên
 
Posts: 28
Joined: Thu Nov 27, 2008 4:30 pm
Has thanked: 0 time
Have thanks: 1 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Sat Aug 29, 2009 2:26 pm

Theo mình được biết phóng viên Kim Sơn ( Báo Tuổi trẻ ) gần cả tháng nay đã cố gắng truy tìm tên tuổi của những bệnh nhân đã được mổ tại Bình Định ( hiện đang sống tại Tp.HCM ) nhưng vẫn không thể biết được những bệnh nhân mà báo chí đã từng đăng hiện thế nào ? Có thật sự hay không ? Và tiến triển bệnh thế nào ?
Chị hiện đang rất quan tâm về vấn đề này. Nếu bạn nào có thông tin chính xác về địa chỉ của những bệnh nhân đã được mổ vui lòng giúp đỡ chị Kim Sơn vì chị rất quan tâm đến vấn đề này???
Các bạn cứ Dt trực tiếp cho báo Tuổi trẻ , xin gặp phóng viên Kim Sơn. Nếu không gặp được thì cứ để số dt hoặc email chị sẽ liên lạc lại
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Mon Sep 07, 2009 1:20 am

Sàng nay đọc báo Tuổi trẻ đã thấy chị Kim Sơn viết cả 1 trang bài : Rối loạn tâm thần hoang tưởng - Phẫu thuật có chữa được không ? - Rất hay, cám ơn Kim Sơn nhiều nhiều.
Cách đây khoảng 03 tuần Kim Sơn có liên lạc với mình về thông tin của 1 số người liên quan đến việc phẫu thuật tại quê nhà... Mình cũng đã giới thiệu website binhdinhffc để Kim Sơn tham khảo thêm cũng như 1 số người có thể có thông tin thật nhất về vấn đế này, đến hôm nay thì cũng đã có tiếng nói... Công tâm mà nói chúng ta ai cũng muốn người BS đem lại cái tốt đẹp nhất cho bệnh nhân khi họ đã hết đường cứu chữa, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta bất chấp tất cả dù chỉ là 1 mạng người đã lâm trọng bệnh với chất lượng sống ngày càng tồi tệ hơn.

Rất cảm ơn báo chí đã giúp cho người bệnh tìm đến những phương pháp điều trị hiệu quả nhất , nhưng cũng thật đáng trách nếu báo chí chưa tìm hiểu kết quả ... đã vội vàng đăng tin về 1 phương pháp mổ chưa được thẩm định để rồi vì " còn nước còn tát " cuối cùng bệnh nhân và gia đình của họ lại bị " lãnh đủ " vì những tắc trách này.

Cảm ơn phóng viên Kim Sơn đã giúp làm sáng tỏ vấn đề
Have a nice week
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby nguoixaxu on Mon Sep 07, 2009 4:36 am

Sang nay toi cung vua doc bao tuoi tre, rat mong nha bao KIM SON lam vu nay cho sang to de nguoi dan biet duoc chinh xac nen dieu tri benh o dau khoi phai tien mat tat mang.

Toi chi so vu nay lai chim xuong nhu nhung vu truoc thoi.
nguoixaxu
Thành viên
 
Posts: 29
Joined: Mon Sep 07, 2009 4:32 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Mon Sep 07, 2009 7:02 am

Xin post lại bài viết của phóng viên Kim Sơn - báo Tuổi trẻ ngày 07/9/2009:

Thứ Hai, 07/09/2009, 08:00 (GMT+7)
Rối loạn tâm thần hoang tưởng: Phẫu thuật có chữa khỏi không?

TT - Giữa tháng 6-2009, một vài tờ báo đưa tin lần đầu tiên tại VN, các bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Định chữa thành công một bệnh nhân bảy năm bị rối loạn tâm thần thể hoang tưởng bằng phương pháp phẫu thuật. “Kỳ tích” này bị một số BS phản ứng quyết liệt, cho rằng không thể có...

[ Hình ảnh ]
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. - người vừa được mổ não chữa rối loạn tâm thần hoang tưởng ở Bệnh viện đa khoa Bình Định (ảnh chụp ngày 4-9 tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) - Ảnh: Kim Sơn


Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi điện thoại đến khoa ngoại thần kinh, rồi phòng kế hoạch tổng hợp BV Đa khoa Bình Định xin địa chỉ bệnh nhân vừa mới được phẫu thuật thành công, nhưng chỉ được cho biết rất chung chung rằng ở phường đó, quận đó thuộc TP.HCM.

Theo chỉ dẫn trong bài báo, chúng tôi tìm đến trạm y tế thuộc địa phương mà bệnh nhân cư trú, một nhân viên của trạm này nói rằng có rất nhiều người cũng đến hỏi “nhưng chúng tôi tìm không ra bệnh nhân”. Công an phường, cả trung tâm y tế dự phòng quận (nơi quản lý chương trình tâm thần) đều trả lời không biết.

Qua một kênh khác, chúng tôi nhận được thông tin từ phía BV Đa khoa Bình Định cho biết hiện bệnh nhân ổn định, diễn biến tốt, nếu cần thì liên lạc qua số điện thoại 0903... Tuy nhiên khi chúng tôi gọi tới, gia đình bệnh nhân không chấp nhận tiếp xúc.

Một nhân chứng

Chuyện tìm kiếm bệnh nhân - bằng chứng của “kỳ tích” - gần như rơi vào bế tắc thì bất ngờ chúng tôi nhận được tin báo có một bệnh nhân vừa ra viện sau mổ rối loạn tâm thần ở BV Đa khoa Bình Định và phải vào điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM trưa 4-9. Đó là chị Nguyễn Thị H. (33 tuổi, ngụ tại Long Thành, Đồng Nai). Bệnh nhân H. xuất viện BV Đa khoa Bình Định ngày 1-9 nhưng sau đó không ăn, không uống, không ngủ và nói nhảm suốt mấy ngày liền. Người nhà cho biết chị H. bị rối loạn tâm thần từ năm 2001, điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP.HCM, có lúc ổn định nhưng có lúc tái phát. Đầu tháng 6-2009, bệnh nhân cũng như gia đình đọc báo thấy nói BV Đa khoa Bình Định mổ não chữa khỏi tâm thần nên tìm đến và nhập viện ngày 9-6.

Antonio Egas Moniz (1874-1955) là tác giả phương pháp phẫu thuật cắt bỏ chất trắng của thùy trán để điều trị một vài bệnh tâm thần và được giải Nobel về sinh lý học - y học năm 1949. Phương pháp này dù nhận giải Nobel nhưng vẫn là một giải Nobel gây tranh cãi đến 50 năm sau. Đây là phương pháp một thời được hợp pháp hóa ở nhiều nước nhưng hiện nay đã bị bãi bỏ chính thức trên toàn thế giới vì lý do đạo đức và khoa học. Liên bang Xô viết hợp pháp hóa năm 1950 và bãi bỏ năm 1987. Hoa Kỳ cũng hợp pháp hóa năm 1950 và bãi bỏ năm 1977.

(Nguồn do một thành viên Hội Phẫu thuật thần kinh VN cung cấp)
Mẹ chồng chị H. - bác Lê Thị Vân, người túc trực chăm sóc bệnh nhân suốt ba tháng sau phẫu thuật - kể lại: “BS Tỵ (TS Phạm Tỵ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Định - PV) nói con tôi bị rối loạn thần kinh, phải mổ, nếu không mổ thì không được.

Mổ xong cháu tỉnh, nhưng khoảng sáu giờ sau phát hiện liệt nửa người bên trái, BS cho châm cứu, tập vật lý trị liệu, đến nay (4-9) chân vẫn yếu và phải nâng lên khi đi, tay thì cầm được nhưng giơ lên không được như trước. Điều trị sau mổ khoảng một tháng thì con tôi lại bỏ ăn, không ngủ.

BS cho chích thuốc ngủ, truyền nước biển... nhưng mấy cũng không đỡ. Đến ngày 6-8, chúng tôi tìm đến BV Tâm thần Bình Định - cách đó khoảng 10km - để mua thuốc. Lấy thuốc về uống vài ngày thấy đỡ. BS Tỵ nói mổ sẽ khỏi hẳn, nhưng sau mổ thì BS Tỵ lại nói mổ xong phải uống thuốc chữa tâm thần từ sáu tháng đến hai năm...”.

Bà Vân tâm sự: ngoài viện phí 40 triệu đồng, tính tổng cộng các chi phí mất khoảng 60-70 triệu đồng. “Nhưng nay lại như thế này, tiền mất tật mang” - bà Vân than thở.

Trong giấy xuất viện của BV Đa khoa Bình Định có ghi: bệnh nhân Nguyễn Thị H., nhập viện 9-6, ra viện 1-9, chẩn đoán: động kinh/ rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị: phẫu thuật. Lời dặn của thầy thuốc: ăn uống, nghỉ ngơi, tái khám sau ba tháng. Trả lời câu hỏi chị H. có động kinh hay không, bà Vân nói: “Khi còn ở BV Đa khoa Bình Định, BS có hỏi nhiều lần, tôi đều trả lời cháu không có động kinh. Nhưng hôm làm giấy xuất viện tôi vội quá không mang kính, về mới phát hiện ghi như vậy”.

Đã mổ gần chục trường hợp

Trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, ngày 28-8, chúng tôi có cuộc trao đổi qua điện thoại với TS Phạm Tỵ, người trực tiếp thực hiện các ca mổ. Ông Tỵ cho biết chỉ mổ não chữa rối loạn tâm thần khi dùng thuốc không hiệu quả, chứ không phải bệnh tâm thần nào cũng mổ được. Ông Tỵ nói mổ can thiệp vào một vùng trên não gọi là hệ viền.

Nếu can thiệp nhiều vị trí thì thành công cao, nhưng tỉ lệ tử vong và biến chứng cũng cao hơn. Còn nếu chỉ can thiệp một hoặc hai vị trí, tỉ lệ thành công thấp nhưng an toàn. Do vậy, thường người ta chỉ can thiệp một hoặc hai vị trí, nếu chưa đạt có thể mổ lần thứ hai hoặc nhiều lần nữa.

Theo ông Tỵ, mổ não chữa rối loạn tâm thần phải chấp nhận có một tỉ lệ liệt bán phần không hoàn toàn, hồi phục sau một tuần hay 3-6 tháng, nhanh hay chậm tùy cơ địa. Sau mổ, bệnh nhân vẫn uống thuốc tâm thần sáu tháng đến hai năm, liều giảm dần, không được ngưng thuốc đột ngột, sẽ gây hội chứng nghiện thuốc.

Ông Tỵ nhấn mạnh cơ chế gây bệnh tâm thần là một cơ chế phối hợp yếu tố nội tại với yếu tố xã hội, cho nên bệnh nhân tâm thần đã được mổ mà gặp điều kiện gây tâm thần trước đó lặp lại thì cũng có thể bị lại. “Tính đến nay BV Đa khoa Bình Định đã mổ khoảng 8-9 ca. Có người bớt rất rõ, có người bớt chậm. Đây là vấn đề lớn mà cũng mới nên từ từ thăm dò” - ông Tỵ nói.

Phương pháp mổ não chữa rối loạn tâm thần có được thông qua Bộ Y tế hay không? TS Phạm Tỵ trả lời: “Phương pháp này thế giới đã làm cách đây nửa thế kỷ nhưng VN mình lạc hậu nên chưa làm. Năm 2004-2005 tôi đã học trên một năm ở Pháp về phẫu thuật thần kinh chức năng. Pháp cũng mổ não chữa rối loạn tâm thần và họ đã đúc kết thành sách giáo khoa. Cách đây bảy năm, tôi có báo cáo một chương trình phẫu thuật thần kinh chức năng cho Bộ Y tế, gồm cả chữa động kinh, tâm thần, Parkinson, chống nghiện... Riêng về mổ não chữa động kinh đến nay mổ 50-70 ca và đạt kết quả ngang ngửa với thế giới. Theo tôi, kỹ thuật mới phát minh thì phải trình Bộ Y tế, còn những kỹ thuật mới ứng dụng thì không phải trình”.

Các nhà chuyên môn nói gì?

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - trưởng khoa nữ BV Tâm thần TP.HCM, giám định viên pháp y tâm thần TP.HCM - phân tích: hệ viền mang tính chất cấu trúc rất phức tạp, nơi đây diễn ra các hoạt động chức năng tâm thần như hành vi, tác phong, tư duy, cảm xúc, suy nghĩ, trí nhớ... Người ta chỉ biết được cơ chế hoạt động của hệ viền chứ không thể định vị một cách chính xác vị trí vùng (hay khu) của từng mặt hoạt động tâm thần. Ông Quang nhấn mạnh: “Tâm thần là phạm trù bao gồm các mặt hoạt động tâm thần của con người, vậy phẫu thuật để lấy ra cái gì?”.

Theo ông Quang, ông biết có trường hợp ngụ ở quận 3 bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, đang điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP. Gia đình đã đưa bệnh nhân ra BV Đa khoa Bình Định mổ, chi phí điều trị và ăn ở tốn khoảng 40 triệu đồng. Nhưng sau mổ trở về, bệnh nhân bị yếu nửa người bên trái, có biểu hiện hoảng sợ, lo lắng, khó ngủ, tai bị ảo giác... Đầu tháng 8-2009 gia đình lại đưa bệnh nhân ra BV Đa khoa Bình Định để chữa tiếp, đến nay chưa rõ tình hình thế nào.

Ông Quang khẳng định theo y văn, mổ não chữa tâm thần xuất hiện ở Hoa Kỳ, Anh và một số nước từ năm 1936 nhưng đã phải dừng từ những năm 1980 do các tai biến trầm trọng từ phẫu thuật. Ông Quang kết luận: “Phải có đánh giá, thẩm định một cách khách quan và khoa học giữa chuyên ngành tâm thần và thần kinh trên các ca đã mổ vừa qua”.

PGS.TS Nguyễn Viết Thiêm - nguyên chủ nhiệm bộ môn tâm thần Đại học Y Hà Nội - cho rằng chỉ những trường hợp tâm thần do các tổn thương thực thể gây ra như u não, phồng động mạch, những viêm dính hoặc tắc nghẽn... mà điều trị bằng thuốc không được thì phải chỉ định phẫu thuật để giải phóng nguyên nhân, còn tâm thần phân liệt không mổ được.

Theo ông Thiêm, từ những năm 1970-1980, trước đây tại Liên Xô có làm một số ca rạch não để chữa nghiện ma túy nặng, nhưng bị nhà nước Liên Xô, bộ y tế và cả người dân phản đối. Tổ chức Y tế thế giới cũng phản đối. “Tôi đã làm trên 40 năm trong ngành tâm thần nhưng chưa bao giờ chỉ định cho ai đi cắt não cả. Cứ bệnh tâm thần hoang tưởng mà đem lên mổ là khái niệm rất sai, không có cơ sở khoa học” - ông Thiêm nhấn mạnh.


Lập hội đồng xem xét phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng

Ngày 6-9, nguồn tin từ Bộ Y tế cho hay Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có yêu cầu thành lập hội đồng khoa học, xem xét phương pháp phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Dự kiến quyết định thành lập hội đồng sẽ được ký trong tuần này, gồm những chuyên gia về ngoại khoa và thần kinh của các bệnh viện Việt Đức và 108, do ông Đỗ Kim Sơn - chủ tịch Hội Ngoại khoa VN - làm chủ tịch.

Theo nguồn tin, Bộ Y tế cũng nhận được một số đơn thư phản ảnh lo ngại về phương pháp phẫu thuật chữa tâm thần hoang tưởng và bệnh động kinh được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Bình Định. Theo vị này, Bộ Y tế đã quy định rõ tất cả các phương pháp điều trị mới đều phải được báo cáo lên Bộ Y tế, được hội đồng khoa học của bộ thông qua mới được triển khai và áp dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết hiện nay không nước nào ứng dụng phương pháp này do hiệu quả chưa rõ ràng. Theo ông Tuấn, cần xem xét tính an toàn và tính pháp lý của phương pháp.

L.ANH
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby nguoixaxu on Tue Sep 08, 2009 1:06 am

Anh HSBC oi,

Bai bao anh post da co y kien chi dao go bo va cho chim xuong luon roi nhe.

Khong con hy vong gi dau. Du sao cung cam on nha bao KIM SON da co 1 bai viet hay. Dang tiec la thoi nay lam gi cung co y kien chi dao.

Chi kho cho nguoi dan thoi.
nguoixaxu
Thành viên
 
Posts: 29
Joined: Mon Sep 07, 2009 4:32 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby asco on Tue Sep 08, 2009 1:15 am

Bài viết đã được Báo Bình Định đăng lại rồi: http://www.baobinhdinh.com.vn/suckhoe-d ... 9/9/80679/
asco
Thành viên
 
Posts: 44
Joined: Thu Aug 17, 2006 8:43 am
Location: TPHCM
Has thanked: 4 time
Have thanks: 2 time
Blog: View Blog (1)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Tue Sep 08, 2009 1:19 am

Hi nguoixaxu,
Là sao ? Không hiểu ý bạn ?
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby nguoixaxu on Tue Sep 08, 2009 2:58 am

Co gi dau ma anh khong hieu. Vi neu dieu tra vu nay se dung den rat nhieu nguoi do dau cho Ts Ty nen se co huong giai quyet rat nhe nhang chu khong manh tay tri dut diem dau.

Sang nay bao Tuoi tre lai co bai viet ve vu nay nua ne, khong biet se di toi dau.

"Thứ Ba, 08/09/2009, 08:12 (GMT+7)

Tạm dừng phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng

TT - Ngày 7-9, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc Kính cho biết: Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tạm dừng thực hiện phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng, chờ ý kiến của hội đồng khoa học do Bộ Y tế thành lập vì có nhiều ý kiến lo ngại về tính an toàn từ giới chuyên môn.

>> Rối loạn tâm thần hoang tưởng: Phẫu thuật có chữa khỏi không?

Theo ông Kính, năm 2004 Bộ Y tế đã có văn bản về danh mục kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật, quy định những phát triển từ kỹ thuật, thủ thuật mà đơn vị đã làm cần báo cáo sở y tế và được hội đồng khoa học do sở y tế thành lập thông qua.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng từ năm 2002 là chỉ cần thông qua ở cấp sở. Tuy nhiên do có nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng xem xét hiệu quả, tính an toàn của phương pháp trong tuần này, sau đó mới quyết định dừng hoặc tiếp tục cho bệnh viện thực hiện phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng.

L.ANH"
nguoixaxu
Thành viên
 
Posts: 29
Joined: Mon Sep 07, 2009 4:32 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby HSBC on Tue Sep 08, 2009 3:20 am

Ngườixaxu thân mến,
Thời này mà anh còn suy nghĩ kiểu ấu trĩ vậy sao ?
Hết biết !!!!
HSBC
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 181
Joined: Tue Dec 09, 2008 1:36 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 25 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby binhdinhman on Tue Sep 08, 2009 3:54 am

Theo tôi Nguoixaxu nói đúng đó. Đúng là thời này nhưng đây là ở BĐ. Vài bí mật được bật mí xong sau đó sẽ có vài cuộc điện thoại chỉ đạo rồi đâu vào đó thôi. :)
binhdinhman
Thành viên
 
Posts: 8
Joined: Thu Dec 11, 2008 1:32 am
Has thanked: 0 time
Have thanks: 0 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby ngmai on Tue Sep 08, 2009 5:02 am

Tôi ủng hộ quan điểm của chị HSBC.
Chúng ta phải lạc quan và tin vào tương lai chứ. Thân!
ngmai
Thành viên
 
Posts: 28
Joined: Thu Nov 27, 2008 4:30 pm
Has thanked: 0 time
Have thanks: 1 time
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Đôi điều đọng lại từ chủ đề "Bác sĩ 2 lần đoạt giải thưởng"

Postby asco on Tue Sep 08, 2009 5:31 am

binhdinhman wrote:Theo tôi Nguoixaxu nói đúng đó. Đúng là thời này nhưng đây là ở BĐ. Vài bí mật được bật mí xong sau đó sẽ có vài cuộc điện thoại chỉ đạo rồi đâu vào đó thôi. :)

Tôi cũng đồng ý với HSBC và ngmai. Sau "vài cuộc điện thoại" mà vẫn có cái này mà:
Bài viết đã được Báo Bình Định đăng lại rồi: http://www.baobinhdinh.com.vn/suckhoe-d ... 9/9/80679/
asco
Thành viên
 
Posts: 44
Joined: Thu Aug 17, 2006 8:43 am
Location: TPHCM
Has thanked: 4 time
Have thanks: 2 time
Blog: View Blog (1)
Top

PreviousNext

Post a reply

Smilies
:D :) ;) :( :o :shock: :? 8-) :lol: :x :P :oops: :cry: :evil: :twisted: :roll: :bye: :think: :!: :?: :idea: :arrow: :| :mrgreen: :geek: :ugeek: em22 em36 em26 em39 :no1: em29 em35 em31 em34 em32
Quote Selected
 

Return to Người Bình Định bốn phương

Who is online

Users browsing this forum: Alexa [Bot] and 13 guests