“Nữ tướng” trống trận

"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền"

“Nữ tướng” trống trận

Gửi bàibởi fan@ » 11-10-2009, 11:26

“Nữ tướng” trống trận

QĐND - Đến miền đất võ Bình Định, hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên lẫn thích thú khi được thưởng thức màn biểu diễn trống trận Tây Sơn oai phong lẫm liệt của một “nữ tướng”. Chị đã làm vang danh “con gái Bình Định, cầm roi đi quyền”. Chị là Nguyễn Thị Thuận, hậu duệ đánh trống trận thứ 9 của dòng họ Nguyễn ở đất Tây Sơn (Bình Định) và là người hiện giữ hồn trống trận ở Bình Định.

8 tuổi đã biết đánh trống trận

Sinh năm 1960, chị Thuận là con ông Nguyễn Đào - một tay trống trận nổi tiếng nhất miền Tây Sơn hạ đạo lúc bấy giờ (Tây Sơn thượng đạo là huyện An Khê, tỉnh Gia Lai hiện nay).
Hình ảnh
]"Nữ tướng" trống trận đang biểu diễn

Trong những lần theo cha và chú mình đi xem đánh trống trận, không biết từ lúc nào cảm giác yêu mến nghề truyền thống của gia đình mình nhen nhóm trong lòng cô bé Thuận. Thân sinh của chị Thuận là ông Nguyễn Đào vẫn thường xuyên đánh trống trận lẫn trống tế lễ trong những dịp đền thờ anh em nhà Quang Trung diễn ra (khi ấy, chưa có Bảo tàng Quang Trung như hiện nay).

Sợ bom đạn và thất lạc trong chiến tranh có thể xảy ra bất kì lúc nào, cụ Nguyễn Đào đã âm thầm truyền những “ngón nghề” độc quyền trong nghề trống cho cô con gái rượu của mình. Thân sinh của chị Thuận sinh thành được 5 người con, nhưng chỉ còn sót lại 2 người con gái, chị Thuận là con út.

“Mồng 5 tết Mậu Thân (1968), trong lần kỉ niệm chiến thắng Đống Đa oai hùng của Quang Trung, đây là hoạt động hằng năm tại quê hương Bình Định, tôi được bà con yêu cầu đánh trống trận gồm 12 chiếc như cha mình. Đó là lần đầu tiên tôi được đánh 12 trống như cha mình đó”- nữ tướng trống trận nổi tiếng nhất trời văn đất võ bồi hồi nhớ lại.

Năm 1975, cụ Nguyễn Đào qua đời và Nguyễn Thị Thuận nghiễm nhiên trở thành người độc quyền về dàn trống trận ở Bình Định. Sau đó, Thuận đã được nhận vào làm việc tại đội trống của Bảo tàng Quang Trung – nơi hằng ngày đón tiếp hàng trăm du khách gần xa cho đến các vị quan khách ghé thăm trong những dịp lễ hội.

Từ ngày vào làm, chị Thuận liên tục được đi tham dự các hội thi quần chúng toàn quốc và đã mang nhiều giải vàng về cho quê hương. Mới đây, chị còn vinh dự được trao huy hiệu 20 năm cống hiến cho ngành văn hóa thông tin của tỉnh.

Tin vui từ người kế thừa

Mỗi bài trống trận kéo dài khoảng 5 phút, gồm 3 hồi: “xuất quân”, “hãm thành” và “ca khúc khải hoàn”. Nếu có phần biểu diễn minh họa thì có thêm 10 người tiêu biểu cho đội hình nghĩa quân Tây Sơn thuở trước.

Và trống trận khi ấy sẽ kéo dài 7 phút. Trống trận gồm 12 chiếc, khi đánh thì đánh các trống số 10, 11, 12 trước tiên. Chính vì khí thế rợp trời của trống trận luôn thôi thúc các nghĩa quân Tây Sơn tiến lên phía trước, trong đó có hai chiến thắng lớn nhất: đánh bại 29 vạn quân Thanh với hành trình thần tốc và đè bẹp quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, đưa tên tuổi Quang Trung - Nguyễn Huệ trở thành một trong những vị tướng kinh điển của thế giới.

Có một thời, vấn đề tìm người thay thế trống trận cho chị Thuận nếu mai này chị không còn nữa đã được “xới” lên và đến bây giờ, nỗi lo ấy đã không còn nữa.

Hoàng Mai, một “hoa khôi” trống trận tuổi đôi mươi được coi là hậu duệ của Nguyễn Thị Thuận đã có thể đảm đương phần nào vai trò này nhưng xem ra hồn trống vẫn chưa đạt đến đỉnh cao của người tiền nhiệm. Rất may ở tuổi 48, chị Thuận đã truyền nghề lại cho cô con gái út của mình là Dương Thị Hương, hiện đang học tại Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật của tỉnh tại đồi Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).

Chị vui mừng khoe: “Tôi có ba người con thì duy chỉ có cô gái út là kiên trì và nhẫn nại theo học nghề”.

Tuy vậy, cô con gái út cũng chỉ đánh đạt chừng 50% khả năng của mẹ (như chị Thuận nhận xét). Nhưng như “nữ tướng” nói, chị sẽ tiếp tục truyền nghề cho cô con gái này để nghề trống trận luôn được giữ mãi và không thể để thất truyền.

Rời Tây Sơn khi tắt nắng phía sau đường chân trời, chị Thuận tiễn chúng tôi trong cái bắt tay thật chặt dành cho những vị khách phương xa.

Chút nữa thôi, chị lại về nhà để chỉ cho cô con gái những chất tinh túy còn lại của nghề trống trận sau cả ngày biểu diễn cho các đoàn du khách đến với Tây Sơn. Và như vậy, vẻ oai hùng của các “nữ tướng” trống trận sẽ còn nối tiếp.

Bài và ảnh: THU HẰNG
fan@
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: 04-11-2008, 14:54
Đã cảm ơn: 8 lần
Được cảm ơn: 0 lần
Blog: Xem blog (0)

Quay về Võ thuật và võ nhân Bình Định

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 2 khách