Người làm rạng danh võ Việt khắp năm Châu

"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền"

Người làm rạng danh võ Việt khắp năm Châu

Gửi bàibởi My Lăng » 29-08-2009, 12:30

Người làm rạng danh võ Việt khắp năm Châu
Phương Khanh (28/08/2009 11:03)

Hình ảnh
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu…

Để Vovinam có thể trở thành “quốc võ” trong tương lai, không chỉ có lòng yêu mến, hăng say tập luyện của các môn sinh mà còn cần có những người nhiệt tâm mang võ Việt giới thiệu khắp nơi trên thế giới như võ sư Nguyễn Văn Chiếu…

Võ của người Việt

Việt Võ đạo (Vovinam) do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập cách đây hơn 70 năm. Ngay từ những ngày đầu, người khai sáng môn võ này đã thể hiện mong muốn đây sẽ là tài sản chung của nhân loại nên đặt tên cho môn phái là Vovinam, một danh xưng Việt Nam được quốc tế hoá, để mọi người trên thế giới dễ đọc, dễ nhớ.

Vovinam là sự kết hợp hài hoà giữa môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nền tảng, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng. Vovinam có 5 màu đai. Người mới học thì đai cùng màu áo. Theo trình độ đai được nâng theo cấp độ với các màu: xanh, đen, vàng, hồng, đỏ. Nhưng ngay trong màu đai cũng chia ra nhiều cấp độ khác nhau.

Sau khi đưa Vovinam biểu diễn tại Nga năm 1990, đến năm 1996 Vovinam bắt đầu có yếu tố quốc tế khi xuất hiện các võ sinh từ các nước châu Âu tìm học. Trong xu thế hội nhập thế giới của đất nước, các đoàn võ sư, võ sinh "Vovinam - Việt võ đạo" đã đi biểu diễn tại các Lễ hội võ thuật truyền thống khu vực và thế giới như Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... và được nhiệt liệt hoan nghênh. Hiện nay, "Vovinam - Việt võ đạo" đã có mặt trên 5 châu lục với gần 40 quốc gia khác nhau và không ngừng mở rộng phạm vi cũng như số lượng các võ sinh theo học.

Năm 2008, Liên đoàn Vovinam quốc tế ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi để Vovinam – Việt võ đạo vươn xa hơn nữa. Và một trong những người góp phần quan trọng trong việc phát dương quang đại võ học của Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới phải nhắc đến võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Vovinam TP HCM và Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Vovinam quốc tế.

Cả đời với nghiệp võ

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu bắt đầu đến với Vovinam năm 1965. 21 tuổi ông bắt đầu các hoạt động truyền dạy võ Vovinam trong nước và một lòng gắn bó với nghiệp võ.

Bước đầu ông dạy ở trường Petrus Ký. Sau 3 năm thì ông “xuống núi” dạy võ tại Nha Trang, Bình Định… Sau khi đất nước thống nhất, trong phong trào thể thao quốc phòng 1976, cùng với các cán bộ thể dục thể thao quận 8 ông mở các khóa dạy Vovinam.

Ông là người có công gây dựng phong trào võ Vovinam ở Q.8, sau này trở thành cái nôi của Vovinam TPHCM, trung tâm của môn võ Vovinam trong nước. Ông Nguyễn Văn Chiếu cho biết, tính đến đầu năm 2009, Vovinam - Việt võ đạo đã quy tụ khoảng 50.000 môn sinh thường xuyên luyện tập trên toàn quốc.

Tại TP HCM nhiều trường đại học đã đưa Vovinam là môn học bắt buộc. Nếu như ở miền Bắc Vovinam phát triển mạnh nhất ở Hà Nội thì phía Nam các tỉnh có bề dày thành tích và phong trào Vovinam phát triển như Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia lai, Đăk Lăk, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre…

Năm 1997 theo lời mời của các võ sinh tại Tây Ban Nha, ông bắt đầu ra nước ngoài dạy Vovinam. Chuyến đi này đã giúp môn võ của Việt Nam được nhiều võ sinh nước ngoài biết đến hơn, mở đầu hành trình tìm đến VN chiêm bái tổ đường và trau dồi võ học của các môn sinh ngoại quốc. Tính đến nay, võ sư Chiếu đã đi khoảng 20 lần sang gần 10 nước để truyền dạy Vovinam.

Yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam, theo ông Chiếu bởi hầu hết các võ sinh đều hiểu võ đạo. Họ đến từ môn phái võ khác. Khi tìm hiểu Vovinam họ thích vì đơn giản mà có tính logic, dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao. Nếu Taewondo mạnh về chân, karaté mạnh về tay thì Vovinam là sự linh hoạt tổng hợp, khắc chế cương nhu…

Ngôi nhà của Võ sư Nguyễn Văn Chiếu ở Q.8 TPHCM đã trở thành nơi quen thuộc của các võ sinh nước ngoài tìm về Việt Nam trau dồi võ học. Không chỉ tập luyện, các võ sinh còn được ông và gia đình lo cho chỗ ăn ở để họ có điều kiện ở lại lâu hơn, tập thêm nhiều bài quyền, nhiều thế võ. Mỗi năm, hàng chục đoàn võ sinh các nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia… lũ lượt kéo nhau về. Họ ở lại một tuần, 10 ngày rồi trở về nước truyền dạy những thế võ vừa học cho những người mới. Có võ sinh dù chỉ đến Việt Nam một lần để học Vovinam, rồi vì phải bôn ba kiếm sống khắp nơi, khi trở về nước đã không thể tiếp tục theo nghiệp, nhưng vẫn nhớ đến sự chu đáo của võ sư Nguyễn Văn Chiếu trong thời gian ngắn ngủi ở nhà ông.

Đại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009 (Asia Indoor Games) lần thứ 3 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội và một số địa phương khác của Việt Nam từ ngày 30/10 - 8/11/2009. Đại hội sẽ có 21 môn thi đấu, với 219 bộ huy chương để các vận động viên của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài. Cùng với các bộ môn thể thao đã tham gia chính thức từ những lần trước, Vovinam lần đầu tiên sẽ được đưa vào làm bộ môn thi đấu chính thức trong Asia Indoor Games lần này.


Có một câu chuyện mà võ sư Chiếu nhớ mãi là lần ông trở lại Tây Ban Nha vào năm 2004. Khi ấy, một cựu võ sinh hay tin ông qua đã cùng vợ con bay gần 1.000 km chỉ để tìm đến thăm thầy cũ, rồi phải về ngay trong ngày tiếp tục công việc mưu sinh hằng ngày. Chính những tình cảm này đã tiếp thêm cho ông nguồn lực tinh thần để theo đuổi công việc truyền dạy võ học Việt Nam ra thế giới.

Vốn là quốc gia khởi nguồn của môn võ Vovinam – Việt võ đạo, Việt Nam được nhiều lợi thế trong Đại hội thế theo châu Á trong nhà - Asia Indoor Games sắp tới. Với thành tích vô địch toàn giải Vovinam Thế giới lần 1 và Á quân Giải Vovinam tiền Asia Indoor Games III vừa tổ chức vào cuối tháng 7, chắc chắn, đội tuyển Vovinam nước ta sẽ mang về những thành tích đáng tự hào hơn nữa làm nức lòng những ai quan tâm và yêu mến môn võ đặc thù của Việt Nam này.

Hơn 70 năm qua, dù trải qua không ít thăng trầm, "Vovinam- Việt võ đạo" vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành một môn phái được đông đảo bè bạn khắp năm châu hâm mộ và xem đó là một trong những nét văn hóa của người Việt Nam, một triết lý sống mang tinh thần nhân văn và thượng võ. Và để Vovinam có thể trở thành “quốc võ” trong tương lai, không chỉ có lòng yêu mến, hăng say tập luyện của các môn sinh mà còn cần có những người nhiệt tâm mang võ Việt giới thiệu khắp nơi trên thế giới như võ sư Nguyễn Văn Chiếu…
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Quay về Võ thuật và võ nhân Bình Định

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 1 khách

cron