SÁCH TÌM HIỂU THIÊN TÀI QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN HUỆ

"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền"

Moderator: lehavu

SÁCH TÌM HIỂU THIÊN TÀI QUÂN SỰ CỦA NGUYỄN HUỆ

Postby nguoi_con_dat_vo on Tue May 27, 2008 12:00 pm

LỜI GIỚI THIỆU

Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một anh hùng của dân tộc.

Khởi nghĩa Tây Sơn là một cuộc chiến tranh nông dân chống chế độ đương trị hà khắc của phong kiến Trịnh - Nguyễn, đồng thời cũng là cuộc chiến tranh giải phóng để bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta, bảo vệ sự thống nhất của đất nước ta.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã góp một phần lớn lao vào lịch sử võ công của dân tộc ta, và đã đóng góp nhiều kinh nghiệm phong phú vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm giàu thêm cho kho tàng lý luận đấu tranh vũ trang của nhân dân ta.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà linh hồn là vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là biểu hiện cụ thể của tinh thần anh hùng quật cường bất khuất, tài thao lược trí dũng của dân tộc ta. Cuốn sách này đã nói lên được điều đó đồng thời cũng đã giới thiệu được những kinh nghiệm đầu tranh vũ trang quý báu của dân tộc ta để cho chúng ta học tập và vận dụng một cách thắng lợi vào công cuộc đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ và bọn tay sai hiện nay.

Đúng như cái tên của nó, cuốn sách đi sâu vào việc trình bày và phân tích những vấn đề quân sự của nghĩa quân Tây Sơn và của Nquyễn Huệ. Cuốn sách đã trình bày được tương đối tỉ mỉ diễn biến của cuộc chiến tranh và của từng trận đánh. Tài liệu được sưu tầm tương đối đầy đủ, giúp cho người đọc hiểu được rõ ràng hơn, có căn cứ hơn về tình hình quân sự thời đó.

Điều đáng chú ý là người viết không những chỉ trình bày diễn biến, mà còn tôn lên một bước nữa phân tích được những sự việc đã xảy ra. Do phân tích tỉ mỉ và nắm được mặt quân sự người viết đã nêu ra được một số nguyên tắc về quân sự, qua đó người xem nhận thức được rõ và sâu hơn về các vấn đề chiến lược, chiến thuật cúa nghĩa quân Tây Sơn và tài chỉ huy bản lĩnh quân sự cao cường của Nguyễn Huệ.

Muốn tìm hiểu nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Tây Sơn và thiên tài qluân sự của Nguyễn Huệ, cần căn cứ vào điều kiện xã hội của nước Việt Nam lúc bấy giờ, tính chất của hoạt động quân sự của thời đại đó, và tình hình lực lượng so sánh giữa các tập đoàn quân sự đối lập hồi đó.

Do điều kiện chính trị thời bấy giờ, xã hội Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc do hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn thống trị và đấu tranh liên tục với nhau.

Do đó mà tình hình kinh tê rất khó khăn, bị ngừng trệ, xã hội không phát triển, nhân dân bị áp bức bóc lột nặng nề, đời sống vô cùng cực khổ. Đó là điều kiện xã hội, điều kiện khách quan của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Nghĩa quân là những người nông dân bị áp bức vươn mình nổi dậy với khí thế bừng bừng của một tinh thần quyết tử chiến đấu để giải phóng cho mình.
Đội quân đó đã được sự tham gia và ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân khác.

Đó là những cơ sở tạo nên sức mạnh của nghĩa quân.

Về phía quân thù thì lực lượng thống trị bị chia rẽ và có nhiều mâu thuẫn, xung đột với nhau.

Nội bộ của từng tập đoàn phong kiến thống trị cũng luôn luôn lục đục, tranh giành quyền lợi, địa vị, vơ vét bóc lột nhân dân; các mặt chính trị, quân sự, kinh tế không được xây dụng, củng cố.

Nhân dân và quân lính đều chán ghét và căm thù chúng.

Đó là cái yếu cơ bản của bọn thống trị.

Trên đây là những điều kiện khách quan cho việc đề ra đường lối chính trị và quân sự của nghĩa quân.

Về chủ quan, bộ chỉ huy nghĩa quân đã biết căn cứ vào điều kiện thực tế đó giữa địch và ta mà đề ra được đường lối chính trị và quân sự đúng đắn và biết chỉ đạo thực hiện một cách khéo léo và đã thành công.

Nguyễn Huệ, người lãnh tụ xuất sắc của nghĩa quân, đã biết lợi dụng và phát huy những chỗ mạnh của mình và lợi dụng chỗ yếu của địch để lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng và chỉ huy các trận đánh một cách tài giỏi.

Trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, tùy điều kiện lịch sử có thể khác nhau mà mỗi cuộc chiến tranh đều có những điểm chung giống nhau và cũng có những điểm riêng khác nhau.

Những điểm chung giống nhau là chính nghĩa thắng phi nghĩa, yếu thắng mạnh, ít thắng nhiều và dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân, v,v.
Còn những điểm khác nhau thì thường là về phương pháp tiến hành chiến tranh.

Lý Thường Kiệt lấy tiến công trước, đánh phủ đầu để phá tan âm mưu xâm lược của địch.

Trần Hưng Đạo thì dử địch vào sâu rồi phản công tiêu diệt chúng.

Lê Lợi thì đánh từ nhỏ đến lớn, dùng kế lâu dài để giành lấy thiên hạ.

Nguyễn Huệ thì tiến nhanh đánh mạnh, dùng đòn bất ngờ áp đảo để chiến thắng quân địch.

Thật là mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.

Nguyễn Huệ đã sáng tạo phát triển thêm một lối đánh mới.

Đến thời đại Nguyễn Huệ thì nghệ thuật quân sự của dân tộc ta được giàu có thêm và càng được toàn vẹn hơn.

Nghĩa quân Tây Sơn cũng tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa thắng phi nghĩa, yếu thắng mạnh, ít thắng nhiều, đánh lâu dài, đánh từ khó đến lớn, v,v ... như những cuộc chiến tranh giải phóng khác của nhân dân ta, nhưng trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, tinh thần chiến đấu của quân đội cũng như khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, trong khi kẻ địch là các tập đoàn phong kiến thống trị trong nước đang hủ bại, yếu đuối và mâu thuẫn, lục đục với nhau.

Trong điều kiện như thế, vấn đề yếu thắng mạnh, đánh từ nhỏ đến lớn cũng có những điểm khác; có những cho không giống như nghĩa quân Lam sơn.

Nguyễn Huệ đã phát huy được cái tinh thần quật khởi của một đội nghĩa quân. Nghĩa quân Tây Sơn đã phát huy được thế tấn công liên tục, vươn lên một cách nhanh mạnh, đánh những đòn mạnh mẽ, làm cho lực lượng lớn lên không ngừng và nhanh chóng.
Điều đó khác với nghĩa quân Lam Sơn, lúc đầu phải chống chọi với một quân thù lớn mạnh hơn mình gấp bội, nên phải trải qua một thời kỳ đầu chiến đấu gian khổ, một thời kỳ phòng ngự lâu dài, rồi mới tiến lên giành thế tiến công được.

Còn về đánh lâu dài, thì nghĩa quân Tây Sơn cũng có điểm khác với nghĩa quân Lam Sơn.

Từ khi bắt đầu khởi nghĩa năm 1771 cho đến năm 1789 đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, nghĩa quân Tây Sơn phải trải qua 18 năm trời mới giành được thắng lợi. Nhưng cho đến khi Nguyễn Huệ mất năm 1792, bọn phản động đối địch cẫn còn có cơ sở ở trong nước để chống lại phong trào và tiến tới phá hoại phong trào.

Còn nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu nổi dậy từ năm 1418 cho đến năm 1427, tiêu diệt được đạo quân của Liễu Thăng, thì giải phóng được đất nước. Như thế là mất 10 năm trời.

Hai thứ lâu dài đó đều có điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau.

Tây Sơn đánh với các tập đoàn phong kiến thống trị trong nước, có nhiều bè đảng, thế lực khác nhau. Mỗi lãnh tụ phong kiến, tù trưởng nắm lực lượng một vcùng, giữ quyền lợi một vùng.

Việc thống nhất đoàn kết toàn dân ở đây cũng có chỗ khác nhau với việc thống nhất, đoàn kết toàn dân khi chống bọn xâm lược nước ngoài.

Ngoài ra, một số tên phong kiến vô sỉ lại đi câu kết với các thế lực phản động nước ngoài. Do đó mà chúng cũng có một chỗ dựa nhất định để chống lại nghĩa quân.

Về phía chủ quan của nghĩa quân, các lãnh tụ Tây Sơn đã có một đường lối, chính sách đoàn kết, tập hợp cán bộ đúng đắn chưa? chính sách cô lập kẻ thù đầu sỏ, trung lập các phần tử lừng khừng, lôi kéo các phần tử trung gian, v,v, như thế nào? Đó còn là vấn đề cần nghiên cứu thêm. Nhưng ở đây chúng ta cũng thấy vấn đề thống nhất đất nước và việc giải quyết nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến thời Tây Sơn cũng có những điểm khác nhau với những vấn đề ấy ở thời 12 sứ quân cát cứ.

Nghiên cứu các diều kiện trên đây, chúng ta có thể hình dung được phần nào một số điểm khác nhau về đánh lâu dài, yếu đánh mạnh, ít đánh nhiều, đánh từ nhỏ đến lớn giữa nghĩa quân Tây Sơn với một số cuộc chiến tranh giải phóng khác.

Với những đặc điểm của cuộc khởi nghĩa, với sở trường tài năng chỉ huy của Nguyễn Huệ, nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Tây Sơn cũng có những điểm độc đáo.

Tư tưởng quân sự của Nguyễn Huệ có tính tích cực và kiên quyết. Nghệ thuật tác chiến của ông là tiến nhanh đánh mạnh, dùng thế bất ngờ đánh đòn quyết định.

Cách đánh của ông là đánh tập trung, đối chọi mặt giáp mặt, với kiểu đột kích nhiều mặt, kết hợp đột phá trước mặt với bao vây vu hồi.

Đó là điểm nổi bật và cũng là sở trường quân sự của Nguyễn Huệ. Mỗi một cuộc hành binh, mỗi một trận đánh trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa cho đến thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, Nguyễn Huệ đều tập trung lực lượng đánh thẳng vào tập đoàn chủ yếu của địch, dàn quân ra mặt đối mặt với địch.

Thế trận của ông do sử dụng tài tình đội hình trung quân, và tả, hữu quân mà hình thành. Ông thường dùng đội chủ quân, do chủ tướng chỉ huy, đánh thẳng vào mặt chính trận địa của địch.

Ngoài đạo chủ quân ra, còn có các mũi đánh vào các hướng khác nhau của trận địa địch, hình thành thế bao vây vu hồi.

Trong các mũi này có một mũi hiểm đánh vào chỗ quan trọng trong tập đoàn chủ yếu của địch, kết hợp với các mũi khác và tác dụng với mũi chủ quân tạo thành thắng lợi quyết định cho trận đánh.

Trong trận đánh quân Trịnh ở Phú Xuân và trận đại phá quân Thanh ở Thăng Long, cách đánh này đã được thể hiện tương đối rõ nét.

Trong trận Phú Xuân, Nghiễn Huệ thân tự chỉ huy đạo chủ quân đánh theo đường bộ, vượt qua phòng tuyến của quân Trịnh ở đèo Hải Vân, rồi tiến đánh thành Phú Xuân.

Mũi thứ hai là mũi quan trọng đi theo đường biển đánh vào Phú Xuân. Mũi thứ ba là mũi vu hồi đi theo đường biển đánh vào phòng tuyến sông Gianh.

Trong trận đại phá quân Thanh ở Thăng Long, Nguyễn Huệ tự chỉ huy đạo chủ quân, theo đường số 1, đánh vào mặt chính Hà Hồi, Ngọc Hồi rồi tiến vào Thăng Long.
Mũi thứ hai là mũi quan trọng có tính chất bao vây đánh vào chỗ hiểm của địch ở Khương Thượng. Mũi thứ ba là đánh bao vây bên phải đánh vào Khoái châu, Văn Giang (Hưng Yên); và mũi thứ tư là mũi vu hồi chiến luợc đánh vào Phượng Nhỡn, Bắc Giang.

Thế trận của Nguyễn Huệ rất mạnh mà lại rất kín. Luôn luôn ông tìm cách bao vây, cô lập và chia cắt tập đoàn chủ yếu của quân địch, rồi dùng những mũi dùi sắc nhọn xuyên thẳng vào cho hiểm yếu của địch, giải quyết trận đánh một cách kiên quuyết, nhanh gọn và có tính chất quyết định.

Tác phong chỉ huy của ông thật là dũng cảm, mạnh bạo, kiên quyết và linh hoạt.

Kiểu cách quân sự này của Nguyễn Huệ vận dụng vào trong chiến dịch thì rất tốt. Nhưng Nguyễn Huệ có bị ảnh hưởng phần nào cái kiểu cách này trong việc vận dụng vào chiến lược.

Tuy cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là một cuộc chiến tranh lâu dài, nhưng Nguyễn Huệ thuờng giải quyết các tập đoàn phong kiến Phản động bằng một vài đòn chiến lược quyết định. Vấn đề cơ bản là triệt được gốc rễ của đối phương, triệt được chân tay của nó; chứ không phải chỉ là đánh tan đối phương, chiếm được thành quách của đối phương là đã giải quyết được. Vấn đề là đánh đến đâu phải củng cố tới đấy, phải kết hợp quân sự với chính trị, phải lợi dụnq kết quả của quân sự mà mở rộng thắng lợi của chính trị.

Nguyễn Huệ đã 4, 5 lần đánh thắng ở Gia Định mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Về mặt chiến dịch thì giá trị thắng lợi của từng trận đánh là rất lớn. Nhưng vấn đề cần giải quyết là giành lấy thắng lợi quyết định về chiến lược chứ không phải đơn thuần thắng lợi về chiến dịch. Tuy thắng lợi về chiến dịch của Nguyễn Huệ có phát triển thành thắng lợi về chiến lược, nhưng không được vững chắc.

Nguyên nhân của vấn đề này như thế nào, còn phải nghiên cứu thêm, hiện nay chúng ta chưa đủ tài liệu để có một kết luận xác đáng. Nhưng từ đó, chúng ta cũng có thể rút ra được một bài học lịch sử rất lớn là việc kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với chính trị, việc mở rộng thắng lợi quân sự thành thắng lợi chính trị và phải củng cố thắng lợi đó.

Những khi đánh ra Bắc Hà, tình hình cũng gần giống như thế trong một số trường hợp.

Tư tưởng quân sự của Nguyễn Huệ thuộc hệ thống tư tưởng quân sự thời cổ phương Đông, chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc, nhưng ông vận dụng có nhiều độc đáo và sáng tạo.

Tính tích cực, cơ động và linh hoạt trong nghệ thuật quân sự của ông tương đối cao.

Ông là một người tướng bách chiến bách thắng. Trảỉ hơn 20 năm chiến đấu llên tục, Nguyễn Huệ đã đánh hàng trăm trận và đánh đâu thắng đấy. Càng đánh càng thắng lớn. Càng về cuốt đời chiến đấu của ông, thắng lợi càng huy hoàng, chiến công càng hiển hách.

Thật cũng là một người tướng hiếm có trong lịch sử.

Sau khi xem cuốn sách này, chúng tôi có một số thu hoạch và cảm nghĩ như trên. Nói lên được cảm nghĩ đó, cũng tức là muốn nói lên giá trị của cuốn sách.

Đây là một cuốn sách lịch sử đi sâu được về mặt quân sự. Các tác giả đã phân tích một cách công phu về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật của nghĩa quân Tây Sơn và tài chỉ huy của Nguyễn Huệ. Đặc biệt, các tác giả đã đi sâu trình bày về tư tưởng và nguyên tắc chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của nghĩa quân.
Qua đó, người đọc càng hiểu rỡ hơn tài năng quân sự của Nguyễn Huệ. Do đó mà hiểu biết, đánh giá Nguyễn Huệ một cách đúng đắn hơn, và càng khâm phục Nguyễn Huệ hơn, càng tự hào về dân tộc ta đã có người anh hùng tài giỏi như thế, càng tin tưởng vào tài năng, trí tuệ của dân tộc, lại càng tin tưởng và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch ở thời đại ngày nay.

Đó là thành công của cuốn sách.

Bên cạnh mặt thành công là căn bản đó, cuốn sách cũng còn một số nhược điểm, khuyết điểm không tránh khỏi. Đó là vấn đề còn bị ảnh hưởng phần nào về ngôn ngữ hiện đại, và bị ảnh hưởng phần nào về nguyên tắc chiến lược, chiến dịch hiện đại trong việc phân tích nguyên tắc chiến lược, chiến dịch của nghĩa quân Tây Sơn, v,v.

Hiện nay, vấn đề này cũng còn là một vấn đề cần phải nghiên cứu việc dùng tiếng nói của ông cha ta, của Việt Nam, cũng như việc dùng nghệ thuật quân sự Việt Nam để phân tích lịch sử nói chung hiện nay vẫn còn có chỗ lúng túng. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để dần dần giải quyết vấn đề này.

Tuy còn một số nhược điểm như trên, nhưng cuốn sách vẫn là một tài liệu lịch sử quân sự tốt, giúp cho chúng ta nghiên cứu học tập rất nhiều.

Chúng tôi rất hoan nghênh sự có mặt của cuốn sách trong kho sách lịch sử quân sự của nước ta và mong các tác giả đóng góp nhiều hơn nữa vào trong kho tàng lý luận lịch sử quân sự của nước ta.

Thiếu tướng
HOÀNG MINH THẢO

LỜI NÓI ĐẦU
Dân tộc Việt Nam là một Dân tộc anh hùng. Điều đó đã được lịch sử chứng minh rõ rệt và cả thế giới ngày nay thừa nhận.

Sống trong những điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, sống trên một vị trí đầu sóng ngọn gió của châu á, sống giữa chặng đường qua lại của bao thế hệ thực dân cướp nước ở các thời đại, dân tộc Việt Nam từ khi dựng nước đén nay đã trải bao phen sóng gió, đổ xương máu để tự cứu mình, cứu nước, và dân tộc Việt Nam đã trường tồn mạnh mẽ. Từ năm ba mươi của thế kỷ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Hồ Chủ tịch, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh chống thực dân dế quốc. Dân tộc Việt Nam đã làm Cách mạng tháng Tám thành công. Dân tộc Việt Nam đã kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hiện nay, dân tộc chúng ta đang ở trong giai đoạn quyết liệt nhất của lịch sử, dân tộc chúng ta đang anh dũng ngoan cường đánh đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, để cứu mình, cứu nước, góp phần bảo vệ hòa bình và hạnh phúc của toàn thể loài người. Chúng ta rất tự hào với nhiệm vụ chiến đấu vẻ vang của chúng ta hiện nay, rất tự hào với dũng khí của chúng ta trước mọi kẻ thù tàn bạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống anh hùng của dân tộc, với dũng khí cách mạng của chúng ta hiện nay, chúng ta nhất định thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải thất bại thảm hại.

Dũng khí của chúng ta là biểu hiện trách nhiệm của chúng ta đối với Tổ quốc, đối với Tổ tiên, đã đời nọ nối đời kia đổ xương máu để giữ gìn Tổ quốc cho chúng ta đến ngày nay. Dũng khí của chúng ta là kế thừa truyền thống anh hùng của dân tộc từ ngàn xưa để lại. Truyền thống anh hùng ấy đã thể hiện rực rỡ trong rất nhiều sự nghiệp hiển hách của Tổ tiên chúng ta, và ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những truyền thống anh hùng ấy càng được phát huy cao độ. Tìm hiểu, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc tức là góp phần nâng cao hơn nữa dũng khí của chúng ta.

Truyền thống anh hùng thể hiện trong lịch sử anh hùng của dân tộc. Lịch sử dân tộc chúng ta là lịch sử dấu tranh vũ trang lien tục để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước. Có thể nói là từ khi dựng nước đến nay, Tổ tiên chúng ta đã không ngừng cầm vũ khí để chiến đấu. Khi thì chiến đấu giải phóng dân tộc, đánh đuổi kẻ thù xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Khi thì chiến đấu chống lại mọi áp bức, kìm hãm của các tập đoàn thống trị trong nước, mở đường cho dân tộc không ngừng tiến lên trên đà phát triển lịch sử của mình.
Trong tất cả những cuộc chiến dấu ấy, Tổ tiên chúng ta đều đã chiến thắng và trải mấy nghìn năm đấu tranh liên tục chống thù trong giặc ngoài, nhân dân Việt Nam đã có một truyền thống quân sự rất vẻ vang. Truyền thống đánh thắng mọi kẻ thù ở mọi thời đại.

Cũng từ muôn vàn cuộc chiến đấu thắng lợi vẻ vang ấy, đã lần lượt xuất hiện trên lịch sử nhiều bậc tướng lĩnh kiệt xuất, nhiều nhà quân sự lỗi lạc, đứng ngang hàng với những tướng lĩnh và những nhà quân sự danh tiếng trên thế giới. Những chiến công oanh liệt của các bậc anh hùng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, v,v, còn mãi mãi ghi sâu trong tâm trí người dân Việt Nam. Đường lối quân sự, các chiến lược, các chiến thuật... của các nhà quân sự lỗi lạc và các danh tướng Việt Nam ở các thời trước đều muôn hình muôn vẻ, linh hoạt vô cùng. Nhưng dù khác nhau ở rất nhiều vẻ, tất cả các bậc anh hùng quân sự Việt Nam ở các thời đại trước đều giống nhau ở một điểm, mà đó là điểm đặc sắc nhất của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam đã sớm hình thành từ hàng nghìn năm nay. Điểm đặc sắc đó là: chỉ bằng những đội quân nhỏ, vũ khí ít, các bậc anh hùng ấy đều đã chiến thắng mọi kẻ địch đông gấp bội mình. Chỉ với hai mươi vạn quân, Trần Quốc Tuấn đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, đập tan sự xâm lược của một đế quốc lớn mạnh nhất, hung hãn nhất của thời đại đó. Chỉ với vài nghìn nghĩa quân lúc ban đầu, Lê Lợi đã tiến tới đánh thắng hàng mấy chục vạn quân Minh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Chỉ với mười vạn quân, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt hoàn toàn hai mươi vạn quân Thanh, vĩnh viễn chấm dứt nạn xâm lăng của các tập đoàn phong kiến phương Bắc đã không ngừng đe dọa dân tộc Việt Nam trong hàng chục thế kỷ.

Tất cả những chiến thắng rực rỡ đã có trong lịch sử, tất cả các tướng lĩnh và các nhà quân sự lỗi lạc của chúng ta ở các thời đại trước đều đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm, rất nhiều bài học quân sự vô cùng quý giá mà chúng ta cần khai thác. Khai thác để vận dụng vào cuộc chiến tranh cứu nước của chúng ta hiện nay, khai thác để xây dựng nền khoa học quân sự hiện đại của chúng ta, khai thác để vận dụng vào việc giữ gìn non sông đất nước của muôn đời con cháu chúng ta.

Nội dung tập sách "Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ" là một thí nghiệm bước đầu nhằm thực hiện những mục đích ấy. Khai thác những kinh nghiệm và những bài học chiến đấu của Tổ tiên chúng ta là nhiệm vụ của toàn thể quân đội chúng ta, nhiệm vụ của tất cả những người am hiểu và nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam. Tập sách này chỉ là một đóng góp nhỏ vào công cuộc lớn lao đó. Ngay đối với thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của chúng ta, tập sách này cũng chỉ làm nhiệm vụ sơ bộ gợi lên một số vấn đề mà khả năng có hạn của tác giả có thể đề cập tới. Muốn thật hiểu Nguyễn Huệ và thiên tài quân sự của ông, chúng ta còn phải có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc hơn nữa.

Nguyễn Huệ là một trong những nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người biểu hiện tập trung nhiều sứ mệnh lịch sử của đương thời và cũng tập trung nhiều tài năng xuất sắc về nhiều mặt.

Nguyễn Huệ vừa là anh hùng vĩ đại của dân tộc, vừa là lãnh tụ kiệt xuất của nông dân Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Nguyễn Huệ là một nhà chính trị giỏi, đồng thời là một nhà quân sự thiên tài. Ông không chỉ đánh một trận mà ông đã đánh nhiều trận, ông không chỉ chiến đấu một lần mà ông đã chiến đấu liên tục trong hơn hai mươi năm. Ông không chỉ chiến đấu với một quân thù mà ông đã chiến đấu với nhiều quân thù: khi đánh chúa Nguyễn, khi đánh chúa Trịnh, khi đánh quân Xiêm, khi đánh quân Thanh, khi đánh quân Vạn Tượng.

Ông là tướng lĩnh chỉ huy, đồng thời cũng là người trực tiếp ra mặt trận chiến đấu, cầm vũ khí giao chiến với địch. Trải hơn hai mươi năm chiến đấu liên tục với mọi kẻ thù trong nước và ngoài nước, Nguyễn Huệ chỉ có thắng mà không có bại. Mặc cho quân thù đông đảo, hung tợn đến đâu, Nguyễn Huệ chưa hề chùn bước chiến đấu. Nguyễn Huệ tin tưởng vào quần chúng nhân dân và có một quyết tâm chiến đấu phi thường, quyết tâm ấy đã thành hiện thực: đánh trận nào cũng thắng, đánh quân thù nào cũng thắng.

Thật là một bậc thiên tài quân sự.
Như tên tập sách đã định rõ, trong nội dung tập sách này chúng tôi không đề cập tới toàn bộ phong trào Tây Sơn và những hoạt động của Nguyễn Huệ về các mặt chính tri, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà chỉ nghiên cứu riêng về những chiến công và thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ cùng những vấn đề có liên quan chặt chẽ với đời làm tướng của ông.

Khi viết tập sách này, chúng tôi không có ý định đứng về phía sử học thuần túy để nghiên cứu vấn đề, cũng như không muốn đi sâu vào phương pháp khảo chứng của những nhà làm sử, để cho tập sách có được nhiều tính chất phổ cập và đáp ứng đúng yêu cầu phục vụ quân đội về mặt khoa học quân sự và học tập truyền thống.

Nhưng vì đây là một tập sách nghiên cứu về thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, chúng tôi thấy cần cố gắng sưu tầm thêm nhiều tài liệu mà những sách đã viết về Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn trước đây ít nói tới, để có thể trình bày những chiến công và thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ được sáng rõ, đầy đủ hơn.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể nhận định và đánh giá đúng đắn tài năng, tư tưởng quân sự của Nguyễn Huệ cũng như tư tưởng chính trị và đạo đức người làm tướng của ông. Trong tập sách này, chúng tôi đã chú trọng nhiều về mặt sử liệu, chính vì lý do nói trên. Với những sử liệu mà các sách trước đây ít đề cập tới, chúng tôi đều ghi xuất xứ đầy đủ để bạn đọc có thể tra cứu dễ dàng. Với những sử liệu đã được dùng phổ biến nhưng theo chúng tôi, chưa thật xác đáng hoặc các sách đã dùng và nhận định khác nhau, chúng tôi đều ghi chú thích nói rõ ý kiến của mình.

Mong rằng những sử liệu trong tập sách này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Nguyễn Huệ, về phong trào Tây Sơn, và phần phân tích nhận định trong tập sách sẽ đem tới bạn đọc một vài ý niệm sơ bộ về thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, một danh tướng và một anh hùng dân tộc vĩ đại của chúng ta ở nửa cuối thế kỷ XVIII.

Đó cũng là những điều mong muốn cao nhất của những người viết tập sách này.

Hà Nội - Sơn La
1963 - 1966
Tác giả



Chương một

NGUYỄN HUỆ MƯỜI NĂM ĐÁNH ĐUỔI CHÚA NGUYỄN, GIÀNH CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC Ở MIỀN NAM VIỆT NAM CHO NGHĨA QUÂN TÂY SƠN

NƯỚC VIỆT NAM Ở THẾ KỶ XVIII

Trong lịch sử các nước trên thế giới, có lẽ Việt Nam là một trong những nước đất không rộng, người không đông mà trong thời kỳ phong kiến lại có nhiều phong trào nông dân khởi nghĩa nhất. Xã hội Việt Nam đã trải qua hơn một nghìn năm dưới chế độ phong kiến thì xã hội Việt Nam cũng đã có tới hàng nghìn phong trào khởi nghĩa chống phong kiến của nông dân Việt Nam. Dưới chế độ phong kiến Việt Nam, không thời nào và không chỗ nào là không có nông dân khởi nghĩa. Chế độ phong kiến càng đi sâu vào bước suy vong của nó thì phong trào nông dân khởi nghĩa càng nhiều, càng mạnh. Đặc biệt là trong thế kỷ XVIII, phong trào nông dân khởi nghĩa lại càng sôi nổi, rầm rộ, lớn mạnh hơn bao giờ hết: suốt từ đầu thế kỷ tới cuối thế kỷ, không lúc nào là không có nông dân khởi nghĩa.

Chính trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện phong trào nông dân Tây Sơn với vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào là anh hùng Nguyễn Huệ.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo có thể coi là một phong trào nông dân rất độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Độc đáo ở chỗ phong trào Tây Sơn là một phong trào nông dân lớn mạnh bậc nhất và cũng là một cuộc chiến tranh nông dân duy nhất trong lịch sử Việt Nam, đã tiến tới giành được chính quyền trong cả nước về tay nông dân. Độc đáo ở chỗ phong trào Tây Sơn vừa là một phong trào nông dân chống áp bức phong kiến, đánh đổ một tập đoàn phong kiến thống trị ở trong nước, lại vừa là một phong trào giải phóng dân tộc, đánh thắng mọi kẻ thù ngoài nước âm mưu can thiệp và xâm lược Việt Nam.

Độc đáo ở chỗ người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, tức Nguyễn Huệ, vừa là một nhà quân sự thiên tài, vừa là một lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân, vừa là một anh hùng cứu nước vĩ đại của dân tộc. Một phong trào nông dân có được những nét đặc sắc ấy, đạt được những sự nghiệp lớn lao như vậy, quả thật là hiếm có trong lịch sử Việt Nam.

Chế độ phong kiến Việt Nam bước sang thế kỷ XVIII là bước sang thời kỳ suy vong nghiêm trọng của nó. Tình trạng nước nhà phân chia làm hai miền, bọn vua Lê chúa Trịnh thống trị ở Đàng ngoài và bọn chúa Nguyễn cát cứ ở Đàng trong vẫn tồn tại. Các tập đoàn phong kiến ở cả hai miền ngày càng sa đọa, suy đồi, ngày càng tăng cường đàn áp bóc lột nhân dân một cách tàn khốc.

Sang thế kỷ XVIII, ở Đàng ngoài, quảng đại quần chúng nông dân cùng khổ đến cực độ, không có ruộng đất để sinh sống. Ruộng đất tư của nông dân phần nhiều bị bọn phong kiến, địa chủ chiếm đoạt mất hết. Bản thân chúa Trịnh đương thời là Trịnh Cương cũng phải thừa nhận rằng "dân nghèo mảnh đất cắm dùi cũng không có”1. Ruộng đất công ở các làng bị lấn chiếm gần hết, chỉ còn đủ để cung cấp lương cho binh lính và ngụ lộc cho quan lại, người nông dân không còn có thể trông nhờ gì vào ruộng đất công để tìm nguồn sống. Trong khi đó, sưu thuế chồng chất lên đầu người dân lại càng nặng nề khắc nghiệt.

Nạn bóc lột cướp đoạt ấy đã dẫn đến kết quả là ở Đàng ngoài, khoảng những năm 40 của thế kỷ XVIII "dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no. Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nỗi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau, số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi”2.

Trong khi ấy, tình hình Đàng trong cũng không kém phần nghiêm trọng. Lê Quí Đôn, một quan lại Đàng ngoài đương thời, khi vào Phú Xuân đã nhận định về đời sống của các tầng lớp xã hội ở Đàng trong như sau: “Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa trạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa dây cương đều trạm vàng, nạm bạc, áo quần là lượt, nệm hoa chiếu mây...
Kẻ sắc mục trong dân gian cũng mặc áo đoạn, còn áo the, áo sa là đồ mặc thường, lấy việc mặc đồ vải mộc mạc làm hổ thẹn. Binh sĩ cũng ngồi chiếu mây, dựa gối xếp, ấp lò hương cổ, uống nước trà ngon, chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng đồng thau, bát đĩa ăn uống đều là đồ sứ Trung Quốc... coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực”3.

Bọn nhà chúa lại càng xa hoa dâm dật đến cực độ. Chỉ lấy riêng một việc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) có tới 146 đứa con cũng đủ thấy bọn chúng xa hoa dâm dật đến chừng nào.
Từ sau khi chúa Nguyễn là Phúc Khoát chết năm 1765, giai cấp phong kiến thống trị ở Đàng trong lại đi sâu thêm một bước nữa vào con đường suy đốn của nó. Phúc Khoát có nhiều con, ngôi chúa đã định truyền cho một trong những người con lớn tuổi. Nhưng quyền thần Trương Phúc Loan đã mưu lập người con thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi1 lên làm chúa để hắn có thể nắm giữ mọi quyền bính, lũng đoạn triều đình. Nguyễn Phúc Thuần nhỏ tuổi, ham chơi, dâm loạn. Trước khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Phúc Thuần mới chừng 16, 17 tuổi, mà đã mắc "bệnh không gần đàn bà được”2 và mới một tí tuổi đầu như vậy hắn đã thường ngày "bắt phường hát trẻ tuổi dâm loạn với cung nữ để làm trò vui”3.

Chúa đã như vậy, thì bọn triều thần cũng ăn chơi rượu chè, dâm dật không kém. Một đại thần như Nguyễn Hoãn, suốt ngày đêm say rượu. Một đại thần khác như Nguyễn Nghiễn có tới 120 vợ lẽ nàng hầu. Mọi việc triều chính đều ở trong tay Trương Phúc Loan. Mà quyền thần Trương Phúc Loan thì lũng đoạn triều chính, mỗi năm tham nhũng hàng chục vạn quan tiền. Những quan lại khác cũng đua theo những hành động bỉ ổi, cướp đoạt để ăn chơi như vậy.

Bọn phong kiến càng tăng cường bóc lột, cướp đoạt để ăn chơi bao nhiêu thì dân tình càng khổ cực bấy nhiêu.

Thời bấy giờ Quảng Nam là miền trù phú nhất ở Đàng trong. Quảng Nam, đặc biệt là Qui Nhơn, sản xuất rất nhiều thóc gạo, lạc, mía, hạt tiêu, thuốc lá, trầu cau. Hàng thủ công rất phát triển. Tơ lụa, nhiễu, đường, miến, dầu dừa đều là hàng xuất khẩu. Quảng Nam lại có nhiều ruộng muối, nhiều mỏ vàng, mỏ sắt. Do chỗ Quảng Nam có nhiều hàng nông, lâm, hải sản để xuất khẩu, nên việc vận tải thong thương ở đây cũng rất phát triển. Năm 1768, số thuyền chuyên chở ở Đàng trong là 447 chiếc, thì Quảng Nam có 60 chiếc, riêng Qui Nhơn có 93 chiếc, còn những nơi khác như châu Bố Chính chẳng hạn chỉ có 10 chiếc.
Thời bấy giờ các nhà buôn Trung Quốc và các nước khác thường ra vào buôn bán ở Quảng Nam, coi Quảng Nam như là trung tâm kinh tế văn hóa bậc nhất ở Đàng trong, họ đã gọi Đàng trong là Quảng Nam quốc. Một nhà buôn Trung Quốc thời ấy đã miêu tả nền thương nghiệp thịnh vượng ở Quảng Nam như sau :
"Ở Sơn Nam[1] khi về chỉ mua được một thứ củ nâu. Ở Thuận Hóa khi về chỉ mua được hồ tiêu. Còn như ở Quảng Nam thì đủ trăm thứ hóa vật, không có nơi nào sánh kịp. Các hóa vật từ các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Bình Khang và dinh Nha Trang đều theo đường thủy, đường bộ tập trung về Hội An. ở đó, rất nhiều nhà buôn phương Bắc đến mua hàng đem về nước. Trước đây, hàng hóa rất nhiều, dù hàng trăm tàu lớn đến chuyên chở một lúc cũng không hết được"[2].

Chính cái cảnh trù phú, thịnh vượng ấy của Quang Nam đã khiến Quảng Nam trở thành một trung tâm bóc lột của bọn phong kiến Đàng trong ở nửa cuối thế kỷ XVIII. Ở Quảng Nam, các thứ thuế má rất nhiều và cực kỳ nặng nề, phiền nhiễu. Theo Lê Quí Đôn thì "bọn cai trưng và quan lại các nha quá nhiều, mỗi một trường thu thuế có tới vài ba mươi người, đốc thúc, tra khảo rất là phiền nhiễu, lại còn truy hỏi, hành hạ ân lậu, cố tình thêm bớt, sinh sự làm khổ dân"[3].

Đối với các thuyền buôn ngoại quốc, bọn chúa tôi nhà Nguyễn đánh thuế rất nặng. Đối với những thuyền buôn thông thương trong nội địa, chúng bắt chịu rất nhiều tầng thuế và đặt sở tuần ty để thu thuế ở khắp mọi nơi.

Đối với mọi thứ thuế khác, người dân Quảng Nam cũng phải chịu nặng nề hơn cả. Riêng các thứ tiền thuế rừng núi, thuế đầm ao, thuế cửa quan, thuế chợ ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, hàng năm họ Nguyễn thu vào trên 76.467 quan thì trong số đó Quảng Nam chiếm sáu phần, Thuận Hóa một phần[4]. Đồng bào Chăm, Thượng ở miền núi cũng phải chịu rất nhiều thứ thuế thổ sản, thuế nguồn, thuế ruộng miền núi, v.v. Lê Quí Đôn, đã phải nhận định rằng: "Lệ phú thuế ở quảng Nam khác với Thuận Hoá Lệ trưng thu so với Thuận Hóa nặng nề hơn, cho nên số thu vào kho rất nhiều và bổng lộc của quan lại cũng rất phiền nhiễu. Dân ở đấy khởi loạn đầu tiên cũng vì cớ ấy"[5].

Đó là toàn bộ tình hình Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Giai cấp phong kiến thống trị ở hai miền Nam, Bắc đều thối nát ươn hèn, quảng đại quần chúng nhân dân trong cả nước đều cùng khổ cực độ. Trong hoàn cảnh dở sống dở chết ấy người nông dân Việt Nam đương thời không thể không vùng dậy để giành lấy quyền sống. Chính vì thế mà ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVIII, những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại sự áp bức bóc lột của các tập đoàn phong kiến thống trị Lê, Trịnh, Nguyễn đã liên tiếp nổ ra. Trong suốt thời phong kiến ở Việt Nam, khởi nghĩa nông dân đã có nhiều, nhưng chưa bao giờ nhiều bằng thế kỷ XVIII. Người ta có thể gọi thế kỷ XVIII trong lịch sử Việt Nam là "thế kỷ của nông dân khởi nghĩa".

Ở Bắc Hà, ngoài những cuộc khởi nghĩa nhỏ, nổ ra lẻ tẻ khắp các địa phương mà sử sách phong kiến thường gọi là "giặc cỏ", từ năm l734 tới khoảng giữa thế kỷ XVIII đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra, như khởi nghĩa của người Mường do Quách Công Thi lãnh đạo, khởi nghĩa của nông dân Sơn Tây Thái Nguyên do nhà sư Nguyễn ĐươngHưng lãnh đạo, khởi nghĩa của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Vũ Trác Oánh ở Hải Dương, khởi nghĩa của Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao ở Nam Định, khởi nghĩa của Toàn Cơ ở Lạng Sơn, v.v. Có những cuộc khởi nghĩa kéo dài tới trên mười năm như khởi nghĩa ở vùng miền Bắc Hà do Nguyễn Hữu Căn lãnh đạo, khởi nghĩa ở vùng Sơn Tây, Tam Đảo do Nguyễn Danh Phương lãnh đạo. Có những cuộc khởi nghĩa kép dài tới trên ba mươi năm như khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở vùng Tây Bắc và khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở vùng Thanh Hóa, Trấn Ninh.

Cùng hòa một nhịp với phong trào đấu tranh của nông dân Bắc Hà, phong trào khởi nghĩa của nông dân Đàng trong cũng vô cùng sôi nổi. Ngay từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, các phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng trong đã liên tiếp nổ ra. Năm 1695, nông dân và thương nhân Quảng Ngãi, Qui Nhơn khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Linh Vương và Quảng Phú. Năm 1697, đồng bào Thượng ở năm sách thuộc Quảng Nam nổi lên chống lại nhà Nguyễn. Năm 1708, đồng bào thiều số miền Bà Ria khởi nghĩa. Năm 1746, đồng bào Chăm ở Trấn Biên (miền Gia Định) khởi nghĩa do Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng lãnh dạo. Năm 1747 , cũng tại Trấn Biên, lại nổ ra khởi nghĩa do một người Hoa kiều là Lý Văn Quang lãnh đạo.

Năm 1770, tại Hà Tiên nổ ra một cuộc khởi nghĩa vũ trang gồm ngót 1.000 người, có 15 chiến thuyền và do một người lính là Phạm Lam cùng mấy người Chà Và, Chân Lạp lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa có qui mô khá lớn, được đông đảo quần chúng các dân tộc ủng hộ. Cũng năm 1770, tức là một năm trước ngày phong trào Tây Sơn xuất hiện, cũng tại Quảng Ngãi, Qui Nhơn, quê hương của phong trào Tây sơn, đã bùng nổ một cuộc khởi nghĩa khá lớn của đồng bào Thượng. Nghĩa quân đánh phá miền Quảng Ngãi, Qui Nhơn. Bọn chúa Nguyễn phải cho toàn bộ quân lính các đạo ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên cùng hợp lực đi đánh dẹp.

Nhưng ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, tất cả những phong trào nông dân khởi nghĩa nói trên đều không thành công, đều không chiến thắng được giai cấp phong kiến thống trị. Tuy vậy, những cuộc khởi nghĩa ấy nổ ra liên tiếp khắp mọi nơi trong hơn nửa thế kỷ, đã có một tác động rất lớn, làm cho các thế lực phong kiến thống trị ở Đàng ngoài cũng như ở Đàng trong đều lung lay đến tận gốc. Mặt khác, những phong trào nông dân vũ trang đấu tranh liên tiếp ấy cũng đã cung cấp được nhiều tướng tài cho phong trào như Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Văn Chất, Lê Duy Mật, v.v. và đem lại nhiều kinh nghiệm chiến đấu cho người nông dân làm cách mạng ở thế kỷ XVIII, nâng cao nghệ thuật chiến đấu và trình độ tổ chức quân sự của người nông dân, đồng thời phát huy them một bước nghệ thuật quân sự Việt Nam ở thế kỷ XVIII.

Tình thế cách mạng sôi sục trong cả nước như thế cùng với sự suy yếu cực độ của các thế lực phong kiến và sự dày dạn chiến đấu của người nông dân ở thế kỷ XVIII đã là những yếu tố hết sức quan trọng giúp cho phong trào nông dân ở cuối thế kỷ XVIII có thể phát động thành một cuộc chiến tranh nông dân lớn mạnh đủ sức đánh tan mọi thế lực phong kiến lớn nhỏ trong cả nước.

Chính trong hoàn cảnh lịch sử thuận lợi đó, phong trào nông dân Tây Sơn đã xuất hiện và có điều kiện để phát triển ngày càng lớn mạnh.

NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA
Trước căm hờn sôi sục của nhân dân Đàng trong đối với bọn phong kiến nhà Nguyễn, năm 1771 ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, người Tây Sơn[1] nhóm họp quần chúng khởi nghĩa.

Ba anh em đều rất trẻ, Nguyễn Huệ khi ấy mới 19 tuổi. Nhưng họ đã nắm đúng thời cơ khởi nghĩa, và đã chuẩn bị tốt cho cuộc khởi nghĩa.

Quân thù của phong trào Tay Sơn cũng như của toàn thể nông dân Việt Nam thời ấy là bọn chúa Nguyễn ở Đàng trong và bọn vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Nói rằng ở nửa cuối thế kỷ XVIII, cả hai tập đoàn ấy đều đã suy yếu hoặc suy yếu đến cực độ là nói suy yếu về mặt chính trị, kinh tế... nhưng về mặt quân sự thì chúng, bằng nhiều biện pháp, vẫn còn duy trì được một lực lượng mạnh, nếu so với những lực lượng quật khởi chống lại chúng thì chúng vẫn mạnh hơn hẳn. Bởi vì chúng là những tập đoàn thống trị, lúc nào cũng có lực lượng vũ trang trong tay để tự vệ. Quân đội của chúng có tổ chức, có thao luyện, có kinh nghiệm chiến đấu, đủ sức đối phó với mọi phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra ở cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII cho đến trước ngày phong trào Tây Sơn quật khởi. Và những lực lượng quân sự ấy vẫn có thể là những trở lực lớn cho phong trào nông dân Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XVIII.

Quân số và trang bị của những lực lượng quân sự ấy có thể thay đổi ở từng thời kỳ, thời chiến khác, thời bình khác, nhưng đại thể thì con số không xê xích nhau nhiều lắm. Nhà Nguễn lúc nào cũng có khoảng non 10 vạn lục quân. Thủy quân có khoảng 200 thuyền chiến. Mỗi thuyền chiến của nhà Nguyễn có từ 50 đến 60 mái chèo, và từ 3 đến 5 khấu đại bác. Kỳ binh của nhà Nguyễn có khoảng từ 200 đến 300 ngựa chiến. Không thấy tài liệu nào nói nhà Nguyễn có tổ chức tượng binh.

Quân đội nhà Trịnh còn mạnh hơn quân đội nhà Nguyễn. Lục quân nhà Trịnh lúc nào cũng có trên 10 vạn người. Có khi có tới ngót 20 vạn người. Thủy quân gồm có khoảng 500 thuyền chiến, trang bị của thuyền chiến Trịnh cũng tương tự như thuyền chiến Nguyễn. Quân đội Trịnh có một đội tượng binh lớn gồm từ 300 đến 500 voi chiến. Mỗi voi chiến có 6, 7 binh sĩ cầm vũ khí ngồi trên. Voi chiến của nhà Trịnh đôi khi mang cả đại bác nữa.

Cả hai quân đội Trịnh, Nguyễn đều dùng vũ khí đạn dược kiểu phương Tây, hoặc mua của ngoại quốc, hoặc dựng xưởng chế lấy, thuê người phương Tây trông nom như bọn chúa Nguyễn đã làm.

Trước những quân thù còn có lực lượng mạnh như vậy, ba anh em Tây Sơn quyết tâm tìm mọi biện pháp để tiến tới đấu tranh vũ trang với địch và nắm chắc phần thắng lợi ít ra là những thắng lợi bước đầu về mình. Họ đã để một thời gian dài, khoảng từ 1771 đến 1773, để xây dựng căn cứ, tuyên truyền khởi nghĩa và tổ chức lực lượng.

Họ lấy ngay nơi họ sinh trưởng là vùng Tây Sơn, An Khê thuộc miền rừng núi Qui Nhơn làm căn cứ địa.

Như trên đã trình bày, phong trào bùng nổ ở quảng Nam đã là một điều thuận lợi, các lãnh tụ Tây Sơn lại chọn miền rừng núi Qui Nhơn làm căn cứ địa khiến cho phong trào càng có thêm nhiều điều kiện để phát triển. Phủ Qui Nhơn ở thế kỷ XVIII bao gồm ba tỉnh Bình Định, Công Tum và Plây-cu ngày nay. Vùng rừng núi Qui Nhơn gồm ba phần tư đất đai phủ Qui Nhơn và là một vòng đai siết chặt lấy phủ thành Qui Nhơn là dinh lũy của chính quyền phong kiến của phủ này. Chiếm giữ được vùng rừng núi và chưa cần đánh, phủ thành Qui Nhơn của nhà Nguyễn cũng đã trở thành cô lập, chơ vơ, đợi ngày mất về tay nghĩa quân mà thôi.

Nghĩa quân Tây Sơn lại đóng bản doanh tại An Khê, một cao nguyên rất bằng phẳng, cao 600 mét, rộng một chiều 50 ki-lô-mét, một chiều 35 ki-lô-mét. Đây là một địa điểm rất tốt cho việc bố trí doanh trại và tập luyện quân sự. Từ Qui Nhơn lên An Khê chỉ có một đường độc đạo vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế từ năm 1771 là năm nghĩa quân Tây sơn bắt đầu nhóm họp đến năm 1773 là năm nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Qui Nhơn, quân đội nhà Nguyễn chưa một lần nào dám tiến công vào căn cứ địa An Khê. Con đường Qui Nhơn lên An Khê không những là con đường độc đạo nguy hiểm ở thế kỷ XVIII, mà ngay cho tới ngày nay, con đường ấy - tức con dường 19 - cũng đã nhiều lần là mồ chôn quân Pháp và quân Mỹ xâm lược. Từ vùng rừng núi tiến xuống chiếm nốt vùng đồng bằng Qui Nhơn, nghĩa quân Tây Sơn đã có một vị trí vô cùng xung yếu về mặt chiến lược, nó cắt đứt giang sơn nhà Nguyễn ra làm đôi khiến sự liên hệ tiếp tế cho nhau bị gián đoạn, đồng thời nó cũng chia tách quân đội nhà Nguyễn ra làm hai bộ phận rời nhau, làm cho lực lượng chiến đấu của chúng bị giảm sút, khi một bộ phận nào đó bị nghĩa quân tiến công thì bộ phận khác muốn ứng cứu cũng rất khó khăn. Vùng rừng núi Qui Nhơn, đặc biệt là miền An Khê lại là nơi tập trung nhiều thành phần dân tộc, người Kinh có, người Chàm có, người Ba Na, người Gia Rai, người Xê Đăng đều có. Đó là một nguồn cung cấp nhân lực rất tốt cho phong trào. Miền An Khê lại là nơi đông đúc giàu có nhất vùng rừng núi Qui Nhơn (tức vùng Bình Định - Công Tum - Plây-cu ngày nay), cho nên đó cũng là nguồn cung cấp lương thực tốt nhất cho phong trào Tây Sơn trong thời kỳ đầu khởi nghĩa. Vùng rừng núi Qui Nhơn còn là nơi có sẵn voi lớn, ngựa hay, sẵn mỏ sắt, diêm tiêu, gỗ tốt cho nên nó cũng là nguồn cung cấp vật liệu và phương tiện chiến tranh rất phong phú cho nghĩa quân Tây Sơn.

Người Qui Nhơn lại có truyền thống thượng võ. Cho đến thể kỷ XIX người ta vẫn còn ca ngợi truyền thống đó:

"Ai vào Bình Định[1] mà coi
Con gái cũng biết đi roi, đi quyền".

Cùng với tinh thần sôi sục căm thù bọn phong kiến nhà Nguyễn của nhân dân Qui Nhơn, truyền thống tốt đẹp đó cũng khiến họ nhiệt liệt hưởng ứng phong trào Tây Sơn và tham gia đông đảo vào đội quân khởi nghĩa.

Để phát động quần chúng vùng lên đánh đổ giai cấp thống trị anh em Tây Sơn lợi dụng những mâu thuẫn rất sâu sắc trong nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn làm mục tiêu tuyên truyền khởi nghĩa.

Năm 1765, chúa Nguyễn là phúc Khoát chết. Trước kia, Phúc Khoát đã lập người con duy nhất của chính phí lên làm thế tử đi nối ngôi chúa, nhưng người đó chết sớm, để lại một đứa con là Nguyễn Phúc Dương. Khi Nguyễn Phúc Khoát chết, hoàng tôn tức Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi quá không lên cầm quyền chính được, đáng lẽ ngôi chúa phải thuộc về người con lớn tuổi hơn cả của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Luân và chính Nguyễn Phúc Khoát cũng đã có ý như vậy từ khỉ còn sống. Nhưng Nguyễn Phúc Khoát chết, quyền thần Trương Phúc Loan đã phế lập Nguyễn Phúc Luân, bắt Luân bỏ ngục, giết chết mọi người thân cận của Luân và đưa người con 11 tuổi của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyên Phúc Thuần lên làm chúa. Từ đấy, quyền thần Trương Phúc Loan ngày càng tham tàn, bạo ngược. Bọn quan lại và các tầng lớp trên của xã hội Đàng trong lúc ấy đều oán ghét Trương Phúc Loan, thâm tâm muốn phù hoàng tôn Dương lên ngôi chúa, nhưng không có phương sách hoạt động. Nắm được tình hình đó, năm 1771, các lãnh tụ Tây Sơn nêu khẩu hiệu: "Đánh đổ Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Dương" để phất cờ khởi nghĩa. Trong một bài hịch xuất quân của nghĩa quân Tây Sơn sau này, phương hướng đấu tranh đầu tiên là đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan đã được nhắc lại rõ ràng:

"Giận quốc phó[2] ra lòng bội bạc, nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương
Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấm nghé,
Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra chốn lầm than.
Ví lòng trời còn nền nếp Phú Xuân, ắt dấu cũ lại cơ đồ Hữu Hạ ...”.

Trong những ngày đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã tự nhận mình là quân của hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương để chống lại quân của quốc phó Trương Phúc Loan, cho nên người đương thời đã gọi:

"Binh triều là binh quốc phó,
Binh ó là binh hoàng tôn".
Ó nghĩa là hò reo. Nghĩa quân đi tới đâu cũng la ó, hò reo, kêu gọi mọi người lên đường đấu tranh để ủng hộ hoàng tôn Dương.

Trong mấy năm đầu khởi nghĩa, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã không tự nhận mình là người lãnh đạo phong trào, chỉ xưng mình là những chủ trại bình thường và vẫn lấy danh nghĩa hoàng tôn Dương làm người cầm đầu nghĩa quân. Khẩu hiệu đấu tranh này thật là sát hợp tình hình và nó đã lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Tây Sơn ngay từ thời kỳ đầu. Nhưng đối với quảng đại quần chúng nông dân thì khẩu hiệu đấu tranh ấy chưa đủ. Phải có một khẩu hiệu đấu tranh cụ thể hơn sát hợp bởi quyền lợi trước mắt của người nông dân hơn nữa. Cho nên bên cạnh khẩu hiệu đấu tranh nói trên, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã đề ra khẩu hiệu "lấy của kẻ giàu, giúp người nghèo" và khẩu hiệu ấy đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính vì có khẩu hiệu sát hợp với quần chúng như thế mà phong trào Tây Sơn đã lôi cuốn được đông đảo nông dân tham gia và sớm có một lực lượng hùng hậu ngay từ những ngày đầu để đối phó với quân thù.

Những giáo sĩ phương Tây có mặt ở Việt Nam lúc ấy đã nói nhiều về những hành động "cướp của nhà giàu, giúp người nghèo" của nghĩa quân Tây Sơn.

Giáo sĩ Tây Ban Nha Ê-ma-nu-en Ca-xtu-ơ-ra (Emmanuel Castuera) ghi lại:
"Họ tuần hành trong các làng, tuyên bố với dân chúng rằng họ không phải là giặc cướp mà là những người làm theo ý trời, rằng họ muốn thực hiện công lý và giải phóng nhân dân khỏi ách chuyên chế của bọn vua quan. Họ tuyên truyền sự bình đẳng về mọi mặt. Trung thành với chủ nghĩa của họ, những bậc tiền khu của chủ nghĩa xã hội cận đại ấy đã lấy của cải của bọn quan lại và bọn nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Những làng mạc bị thuế má hà khắc đè nặng đã nhiệt liệt tuyên thệ hưởng ứng khởi nghĩa.."[1]

Một giáo sĩ Tây Ban Nha khác là Đi-ê-gô đơ Giu-mi-la (Diégo de Jumilla) cũng viết:
"Năm ngoái, 1773, khoảng đầu tháng 4, quân đội Đàng trong bắt đầu tuần hành các nơi... Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo guơm, người mang cung tên, lại có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi ngưòi Đàng trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quí đem chia cho người nghèo, họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi ... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ..."[2].

Những đường lối vận động cách mạng và những khẩu hiệu đấu tranh nói trên đã đoàn kết và tập hợp được mọi lực lượng để đánh địch. Ngay từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa, trong hàng ngũ nghĩa quân, người ta đã thấy có mặt hầu khắp các tầng lớp nhân dân và thành phần dân tộc của vùng Qui Nhơn, Quảng Nam. Bên cạnh quảng đại quần chúng nông dân là lực lượng cơ bản của phong trào, người ta thấy có những thổ hào như Nguyễn Thung, những đại phú như Huyền Khê. Bên cạnh người Việt, có ngườiThượng, người Chàm và các thương nhân Hoa kiều hoặc dân tộc Hán như các đạo quân Hòa nghĩa và Trung nghĩa của Lý Tài và Tập Đình. Một phong trào nông dân trong thời phong kiến mà có được nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần dân tộc tham gia như thế cũng là hiếm có. Với sự nhiệt liệt hưởng ứng của quảng đại quần chúng nhân dân, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, lực lượng vũ trang của phong trào Tây Sơn đã có tới 3.000 người[ ]. Căn cứ địa Qui Nhơn lại có nhiều voi lớn, ngựa tốt. Đồng bào miền núi Qui Nhơn có truyền thống đua ngựa, quản tượng giỏi.

Đồng bào cả miền Qui Nhơn, Kinh cũng như Thượng, đều có truyền thống thượng võ, giỏi roi, giỏi quyền, giỏi quân sự. Cho nên những đội quân dầu tiên của phong trào Tây Sơn đã là những đội quân thiện chiến và dũng cảm.

Tới đầu năm 1773, lực lượng vũ trang của nghĩa quân đã có tới hàng vạn người, căn cứ địa của nghĩa quân đã bao gồm một khu vực rộng lớn của phủ Qui Nhơn: vùng núi An Khê và ba huyện Phù Ly, Bồng Sơn, Tuy Viễn.

Trong thời kỳ đầu Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chưa xuất hiện như những lãnh tụ của phong trào. Phần vì họ còn trẻ tuổi phần vì muốn thực hiện chính sách đoàn hết các lực lượng, nghĩa quân Tây Sơn đã cử ba người có tính chất tiêu biểu nhất lúc bấy giờ đứng ra lãnh đạo phong trào: Nguyễn Nhạc, đại diện cho những người đề xướng phong trào, Huyền Khê, một người giàu có lớn và Nguyễn Thung, một thổ hào có thế lực ở phủ Qui Nhơn. Nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu xây dựng chính quyền của nông dân trong căn cứ địa, theo hình thức tổ chức riêng của mình. Nguyễn Nhạc làm chủ trại nhất, cầm chính quyền hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm chủ trại nhì, cầm chính quyền huyện Tuy Viễn. Huyền Khê làm chủ trại ba, chuyên trách việc quân lương.

Bên cạnh những người lãnh đạo, có mấy người tướng giúp việc là Lý Tài và Tập Định, trực tiếp chỉ huy hai toán quân người Hoa kiều và người dân tộc Hán do họ chiêu mộ.
Tới đây công tác chuẩn bị khởi nghĩa coi như hoàn thành. Nghĩa quân có khả năng kỉểm soát hoàn toàn vùng Qui Nhơn. Giờ khởi nghĩa đã tới. Nghĩa quân có thể mở những đợt tiến công đầu tiên vào quân địch và nắm chắc phần thắng lợi.

NGUYỄN HUỆ CHIẾN THẮNG PHÚ YÊN MỞ ĐẦU THỜI KỲ PHÁT TRIỂN LỚN MẠNH CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN

Giữa năm 1773, căn cứ địa đã được xây dựng vững chắc, những điều kiện vật chất và tính thần để vũ trang tác chiến với địch đã có đầy đủ, nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu tiến công địch. Trong một đêm[1], nghĩa quân hạ thành Qui Nhơn. Tuần phủ Qui Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên bỏ cả vợ con, vứt cả ấn tín[2], chạy trốn. Nghĩa quân Tây Sơn tiến công liên tiếp vào các phủ Quảng Ngãi, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận và đã thu được thắng lợi to lớn trong buổi đầu. Trong vòng mấy tháng cuối năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ cả một dải đất đai chạy dài từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Lần đầu tiên, ngọn cờ đỏ[3] chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn phấp phới bay trên các thành lũy, dinh thự của bọn vua quan phongkiến, gạt bỏ uy thế chính trị từ hàng bao đời của chúng tại những nơi đây.

Tuy vậy, lực lượng nghĩa quân còn yếu, quân chưa nhiều (mặc dầu đã có được 26.000 người[1] nhưng so với địch thì vẫn còn ít), vũ khí còn thiếu[2], kinh nghiệm xây dựng chính quyền chưa có, nên việc làm chủ và giữ gìn một vùng đất đai rộng lớn như vậy không phải không có khó khăn.

Đầu năm 1774, chúa Nguyễn cho quân tiến xuống Quảng Nam để tiến công nghĩa quân. Chủ tướng quân Nguyễn là Tôn Thất Thăng, sợ thanh thế nghĩa quân, không dám đánh và bỏ trốn. Mùa hè năm 1774, chúa Nguyễn cử Tống Phúc Hiệp đem đại quân từ Gia Đinh theo hai đường thủy bộ tiến đánh nghĩa quân. Nghĩa quân Tây Sơn phải rút khỏi Bình Thuận, Diên Khánh, Bình khang, để giữ vững từ Phú Yên trở ra Quảng Ngãi.

Trong phạm vi đất đai như vậy, nghĩa quân Tây Sơn có thể củng cố căn cứ, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho những đợt tấn công mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng trong lúc này, lợi dụng cơ hội chúa Nguyễn đang phải tập trung lực lượng để đối phó với nghĩa quân Tây Sơn, chúa Trịnh cử Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân từ Bắc Hà tiến vào đánh chúa Nguyễn.

Mùa đông năm 1774, quân Trịh vượt sông Gianh, lần lượt đánh chiếm Bố Chính, Đồng Hới, tiến nhanh vào Thuận Hóa. Ngày 30 tháng 1 năm 1775, quân Trinh hạ thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ kinh thành chạy vào Quảng Nam. Không để cho bọn chúa Nguyễn kịp nghỉ ngơi, nghĩa quân Tây Sơn theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Quảng Nam. Nguyễn Phúc Thuần vội chạy vào Gia Định, để cháu là Nguyễn Phúc Dương và một số tướng lĩnh ở lại hoạt động ở vùng Cu Đê thuộc Quảng Nam.

Tháng hai năm ất Mùi (1775), quân Trịnh tiến xuống Quảng Nam. Nghĩa quân Tây Sơn cũng tiến lên lùng bắt được bọn Nguyễn Phúc Dương. Tháng Tư âm lịch, quân Trịnh vượt qua đèo Hải Vân, tiến đánh nghĩa quân Tây Sơn. Lần đầu tiên, nghĩa quân Tây Sơn tiếp xúc với quân Trịnh đang đà thắng lợi. Nguyễn Nhạc cử Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, tiến đánh quân Trịnh ở Cẩm Sa thuộc Quảng Nam. Nhưng Tập Đình bị đại bại; bỏ trốn khỏi hàng ngũ nghĩa quân, tìm đường chạy về Trung Quốc. Nguyễn Nhạc và Lý Tài phải rút quân về Bản Tân (giáp giới Quảng Nam - Quảng Ngãi). Quân Trịnh vẫn tiến. Nguyễn Nhạc phải rút về Qui Nhơn.

Thấy nghĩa quân Tây Sơn đang bị thất bại nặng nề trước sức tiến công của quân Trịnh, tháng Năm năm Ât Mùi (1775), tướng Nguyễn ở Bình Khang, Diên Khánh là Tống Phúc Hiệp đem toàn quân đánh chiếm Phú Yên.

Nghĩa quân Tây Sơn phải rời bỏ Phú Yên rút về Qui Nhơn.

Như vậy là căn cứ địa của nghĩa quân bị thu hẹp lại trong phạm vi Qui Nhơn, Quảng Ngãi và lâm vào cái thế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Quân Trịnh uy hiếp ở sườn phía bắc Qui Nhơn. Sườn phía nam Qui Nhơn bị quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp uy hiếp. Quân địch ở hai mặt tổng số có tới 5, 6 vạn quân. Không gỡ khỏi cái thế bị bao vây này, nghĩa quân Tây Sơn có nguy cơ bị tiêu diệt nhanh chóng. Căn cứ địa Qui Nhơn chỉ thuận lợi cho nghĩa quân Tây Sơn trong trường hợp đối phó với một kẻ thù, chia cắt lực lượng của một kẻ thù ra làm nhiều bộ phận để tiến đánh dễ dàng. Nhưng trong trường hợp phải đối phó với cả hai kẻ thù. Quân Trịnh từ phía Bắc kéo xuống, quân Nguyễn từ phía Nam tiến lên. Cùng tập trung lực lượng tiến vào căn cứ địa thì nghĩa quân Tây Sơn ở vào cái thế thật nguy hiểm, không thể đương đầu nổi với cả hai kẻ thù một lúc.

Để đối phó với tình hình đó, nghĩa quân Tây sơn đã có một chiến lược mầu nhiệm: dùng biện pháp ngoại giao để chặn tay một kẻ thù và chuẩn bị tiến công một kẻ thù.

Trong hai kẻ thù lúc ấy, quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc vẫn là đối thủ nguy hiểm nhất. Cần phải hòa hoãn được với quân Trịnh, để tập trung lực lượng tiến công quân Nguyễn.

Nguyễn Nhạc cho người tới thương thuyết với tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc xin nhận làm đội quân tiền phong của Trịnh để đánh Nguyễn. Quân Trịnh, sau một thời gian hành quân xa , từ Bắc vào và phải liên tục chiến đấu trong gần một năm trời, cũng có ý muốn nghỉ ngơi đôi chút rồi sẽ quyết định sau, nên Hoàng Ngũ Phúc đã nhận lời hòa hoãn với nghĩa quân Tây Sơn và nhân danh chúa Trịnh, phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân. Nhưng tướng Trịnh vẫn không lui quân, vẫn đóng nguyên ở vị trí cũ, sát với căn cứ địa của nghĩa quân với ý đồ: nếu nghĩa quân Tây Sơn đánh thắng quân Nguyễn, tiến sâu được vào Nam, thì quân Trịnh sẽ tiến theo sau, chiếm lấy thành quả chiến thắng của nghĩa quân, thu phục đất đai mới mà không phải khó nhọc. Trái lại, nếu nghĩa quân Tây Sơn không thắng được quân Nguyễn, hoặc bị quân Nguyễn đánh bại thì khi ấy quân Trịnh sẽ tiến vào căn cứ địa Quảng Ngãi, Qui Nhơn, tiêu diệt nghĩa quân, trực tiếp đối phó với quân Nguyễn. Nghĩa quân Tây Sơn cũng thấy rõ những ý đồ ấy của quân Trịnh.

Nghĩa quân quyết định phải đánh chiếm được Phú Yên, đẩy lùi quân Nguyễn về phía nam, đồng thời lấy chiến thắng đó làm áp lực buộc quân Trịnh phải từ bỏ ý đồ xâm phạm vào căn cứ địa của nghĩa quân.
Nhưng đánh được quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên không phải là dễ dàng.

Tại đây Tống Phúc Hiệp có hai vạn quân[1]. Tống Fhúc Hiệp đóng bản doanh ở Phú Yên và lập hai cứ điểm phòng vệ cho Phú Yên, một ở Xuân Đài do bộ binh đóng giữ, một ở Vũng Lấm do thủy binh đồn trú[2]. Đối với một lực lượng địch mạnh như vậy, nghĩa quân sẽ đánh như thế nào để thắng và ai sẽ đảm nhiệm sứ mạng quyết chiến với địch, bảo đảm thắng lợi cho nghĩa quân. Các tướng của nghĩa quân như Tập Đình thì đã bỏ trốn, Lý Tài thì bại trận liên tiếp, không còn tinh thần chiến đấu và cũng không có khả năng thực hiện thành công một trận quyết chiến như vậy. Bản thân Nguyễn Nhạc cũng không phải là một tướng tài có thể đảm đương cái nhiệm vụ quân sự nặng nề ấy.

Chính trong tình hình khó khăn này, Nguyễn Huệ đã xuất hiện như một vị cứu tính, đứng ra gánh vác trọng trách quyết đinh vận mệnh sống còn của phong trào.

Nguyễn Huệ tức này mới 23 tuổi. Không ai ghi lại được những hoạt động của ông từ khi phong trào Tây Sơn mới bùng nổ và chỉ từ trận Phú Yên này, tên tuổi ông mới ghi trong sử sách của nhà Nguyễn. Nhưng chắc chắn rằng từ 1771 tới 1775 Nguyễn Huệ đã kinh qua chiến đấu nhiều, có nhiều kinh nghiệm và tỏ ra là một tướng lĩnh xuất sắc. Cho nên khi ông lĩnh trách nhiệm chỉ huy trận đánh Phú Yên, thì nghĩa quân đều tin tưởng và những tướng lĩnh cũ như Lý Tài, cũng phải chịu làm phó tướng giúp việc ông.

Để phát huy yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện đánh thắng dễ dàng cho nghĩa quân, các lãnh tụ Tây Sơn cho người tới Phú Yên thương lượng với Tống Phúc Hiệp về việc lập hoàng tôn Dương làm chúa và nghĩa quân Tây Sơn hợp tác với quân Tống Phúc Hiệp cùng tiến đánh quân Trịnh.

Cuộc thương lượng chưa đi tới kết quả thì Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân tập kích Phú Yên. Cho đến nay những tài liệu đã sưu tầm được chưa cho biết rõ Nguyễn Huệ đã đánh Phú Yên như thế nào, phương châm, hình thức tác chiến ra sao để đạt được thắng lợi nhanh chóng. Nhưng cũng biết đại khái được rằng Nguyễn Huệ đã hạ thành Phú Yên rất mau lẹ. Quân Nguyễn trong thành Phú Yên ra ứng chiến bị tan rã trong chớp nhoáng. Tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền tử trận. Một tướng Nguyễn khác là cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị Nguyễn Huệ bắt sống. Chủ tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Phú Yên rút quân chạy. Được tin Phú Yên thất thủ, tướng Nguyễn trấn thủ ở Bình Khang là Bùi Công Kế đem quân theo đường núi tiến ra cứu viện cho Phú Yên. Nguyễn Huệ cho quân đón đánh và bắt sống Bùi Công Kế[1]. Một tướng Nguyễn khác là Tống Văn Khôi đem quân từ Khánh Hòa tiến ra, cũng bị quân đội của Nguyễn Huệ đánh cho đại bại ở Tam Độc, Tống Văn Khôi chết tại trận[2].

Như thế là hai vạn quân của Tống Phúc Hiệp bị tan rã, Phú Yên lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Quân Nguyễn bị đẩy lui xuống phía nam và từ đây mất hẳn khả năng tiến công nghĩa quân Tây Sơn.

Trong khi Nguyễn Huệ đánh Phú Yên thì tướng Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc cũng thừa cơ tiến sâu thêm một bước vào gần căn cứ địa của nghĩa quân và đóng quân tại Chu Ổ. Nhưng chiến thắng vang đội của Nguyễn Huệ đã khiến quân Trịnh phải chùn bước. Theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc phải chịu nhân danh chúa Trịnh phong chức Tây Sơn hiệu tiền phong tướng quân cho Nguyễn Huệ. Sau đó tự thấy không thể đàn áp được phong trào Tây Sơn và cũng không thể tiến sâu thêm vào Nam, Hoàng Ngũ Phúc bỏ đất Quảng Nam, lui về Phú Xuân, rồi không bao lâu, để một ít quân tướng ở lại giữ Phú Xuân, còn mình thì rút hẳn đại quân về Bắc Hà. Nghĩa quân Tây Sơn từ đây hoàn toàn rảnh tay không phải lo đối phó với một kẻ địch mạnh hơn hẳn mình lúc ấy là quân đội Trịnh.
Sau khi quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam, dư đảng của nhà Nguyễn ở đây, do Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân tập hợp lại, đã nổi đậy chiếm giữ Quảng Nam. Nguyễn Huệ lại từ Phú Yên trở về Qui Nhơn, điều quân lên đánh Quảng Nam. Cuộc nổi dậy của dư đảng nhà Nguyễn bị dẹp tan nhanh chóng. Quảng Nam lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn.

Như vậy là chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ đã có một tác dụng vô cùng quan trọng, làm thay đổi hẳn cục diện, hoàn toàn có lợi cho nghĩa quân Tây Sơn. Chiến thắng Phú Yên đã gỡ cho nghĩa quân Tây Sơn ra khỏi cái thế bị kẹp trong hai gọng kìm của cả hai thế lực phản động Trịnh - Nguyễn, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến vào Nam của quân Trịnh, làm suy yếu hẳn lực lượng của nhà Nguyễn và mở đường cho sự phát triển rộng lớn ra toàn quốc của phong trào nông dân Tây Sơn. Từ đây cho tới khi ông chết, trải gần hai mươi năm ròng rã, Nguyễn Huệ đi tới đâu lá cờ đỏ chiến thắng của ông đều giương cao đến đó.

Cũng từ đây, Nguyễn Huệ trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn, người tổ chức nên mọi thắng lợi của phong trào Tây Sơn sau này.

NGHĨA QUÂN TÂY SƠN TẬP KÍCH QUÂN NGUYỄN Ở GIA ĐỊNH
Sau chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, cả hai kẻ địch, quân Nguyễn và quân Trịnh đều bị đẩy lùi xa căn cứ Qui Nhơn của nghĩa quân Tây Sơn. Được rảnh tay đối phó với nhà Trịnh ở phía bắc, các lãnh tụ Tây Sơn quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt thế lực nhà Nguyễn ở miền Nam.

Từ khi bọn chúa Nguyễn phải bỏ kinh thành Phú Xuân cho quân Trịnh chiếm đóng, đem tàn quân chạy vào Gia Định và tướng Nguyễn, Tống Phúc Hiệp bị Nguyễn Huệ đánh bật khỏi Phú Yên, lực lượng quân sự của nhà Nguyễn đã suy yếu nhiều so với trước, nhưng chúng vẫn âm mưu phản công chiếm lại vị trí đã mất. Vào tới Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần ra sức tăng cường lực lượng, tích cực tuyển mộ binh lính, tích trữ binh lương. Trong vài tháng, quân số của Nguyễn Phúc Thuần ở Gia Định có tới 25.000 người, Nguyễn Phúc Thuần lại được một người Hoa kiều làm tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ nhận đem quân phù trợ. Gia Định trở thành căn cứ cửa bọn chúa Nguyễn để chuẩn bị phản công mạnh vào nghĩa quân Tây Sơn.

Biết rõ Lý Tài, tướng Tây Sơn giữ thành Phú Yên, đương bất mãn với các lãnh tụ Tây Sơn, vì chức đại tướng của hắn trước kia, nay thuộc về người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ, Tống Phúc Hiệp liền cho người chiêu dụ Lý Tài. Quả nhiên Lý Tài đã đem thành Phú Yên và quân bản bộ của y đầu hàng Tống Phúc Hiệp, theo về với Nguyễn. Tống Phúc Hiệp lại tìm cách thu phục được Chu Văn Tiếp, một tướng lục tâm, phản động, chống Tây Sơn, từ miền núi Phú Yên, đem hơn một nghìn quân theo về với Tống Phúc Hiệp. Do đấy, quân thế của nhà Nguyễn ở miền Bình Thuận, Phú Yên lại mạnh dần lên.

Trước tình bình đó, các lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn thầy cần phát hành động kịp thời, đập tan kế hoạch chuẩn bị phản công của bọn chúa Nguyễn tại Gia Định, kéo bớt lực lượng quân Nguyễn ở Phú Yên, Bình Thuận về Gia Định làm cho chúng mất khả năng phản công cũng như khả năng uy hiếp trực tiếp vào cạnh sườn căn cứ địa của nghĩa quân.

Các lãnh tụ Tây Sơn chủ trương đánh bất ngờ vào căn cứ Gia Định của địch, với mục đích tiêu diệt một phần sinh lực địch và thu hết quân lương của địch ở Gia Định.

Trận tập kích đầu tiên này chưa có mục đích giải phóng đất đai và tiêu diệt toàn bộ quân Nguyễn, vì nghĩa quân lúc ấy chưa có khả năng thực tế để làm công việc đó.

Đầu năm 1776, các lãnh tụ Tây Sơn mộ thêm quân và Nguyễn Lữ được trao nhiệm vụ chỉ huy trận tập kích này.

Ngày 27 tháng 3 năm t776, tức ngày 8 tháng Hai năm Bính Thân, Nguyễn Lữ đem thuỷ quân tiến vào Gia Định. Bị đánh bất ngờ, quân Nguyễn không kịp trở tay. Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ thành Gia Định, đem quân chạy ra Trấn Biên (vùng Biên Hòa ngày nay). Nguyễn Lữ vào thành Gia Định, kiểm điểm kho tàng, thu thập quân lương, chuẩn bị phương tiện vận tải để đưa về Qui Nhơn. Đồng thời, Nguyên Lữ cho một bộ phận nghĩa quân tiến xuống phía nam tập kích dinh Long Hồ. Quân Nguyễn ở Long Hồ bị tiêu diệt. Tướng Nguyễn ở Long Hồ là Bùi Hữu Lễ bị nghĩa quân bắt sống tại trận.

Trước sức tiến công mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa. Tại đây, có lần bị nghĩa quân truy tìm ráo riết. Nguyễn Phúc Thuần phải chạy trốn vào nhà một giáo sĩ Tây Ban Nha là Diégo de Jumilla, nằm ẩn dưới gầm giường mới thoát nạn[1], vì nghĩa quân không xâm phạm tới nhà ở của những người làm nghề tôn giáo.

Trước tình hình nguy khốn đó, Nguyễn Phúc Thuần vội phái Đỗ Thanh Nhân đi Mỹ Tho mộ quân cần vương, cho người đi cầu viện Mạc Thiên Tứ ở Cần Thơ đem quân lên giúp và triệu Tống Phúc Hiệp ở Phú Yêu đem quân về cứu chúa.

Tới tháng Năm âm lịch, Đỗ Thanh Nhân chiêu mộ được hơn 3.000 quân, gọi là quân Đông Sơn, tự xưng là Đồng Sơn thượng tướng quân, từ Tam Phụ (thuộc Mỹ Tho) tiến quân về Gia Định. Trong khi ấy, Mạc Thiên Tứ đem quân từ Cần Thơ tiến lên, Tống Phúc Hiệp và Lý Tài cũng đang trên đường hành quân từ Phú Yên vào Nam và đã tới Trấn Biên, gần Gia Định.

Thấy quân cứu viện của địch ở các ngả đã kéo tới, Nguyễn Lữ hạ lệnh rút quân, đem theo hơn 200 thuyền lương lấy được ở Gia Định, đưa về Qui Nhơn. Tới đây, nhiệm vụ tiến đánh Gia Định của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyên Lữ chỉ huy đã hoàn thành trọn vẹn. Quân đội Tây Sơn bảo toàn lực lượng trở về căn cứ.
NGUYỄN HUỆ TIẾN QUÂN GIẢI PHÓNG GIA ĐỊNH LẦN THỨ NHẤT (1777)
Sau khi nghĩa quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Phúc Thuần cùng bọn Đỗ Thanh Nhân đem quân trở về thành Gia Định. Tống Phúc Hiệp và Lý Tài cũng từ Trấn Biên về tới nơi. Bấy giờ là tháng Năm năm Bính Thân (1776).

Sang tháng sáu Tống Phúc Hiệp chết. Lý Tài và Đỗ Thanh Nhân đều muốn, giành quyền thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Nguyễn về mình. Hai kẻ đầy tham vọng gặp nhau, không thể cùng chung sống. Lý Tài đem quân bản bộ giữ núi Chiêu Thái, chống lại Đỗ Thanh Nhân. Hai bên đánh nhau. Đỗ Thanh Nhân yếu thế phải đắp lũy ở Bến Nghé và sông Thị Nghè tại Sài Gòn (tức thành Gia Định) để cố thủ.

Tháng Mườí năm Bính Thân (1776), Nguyễn Phúc Dương từ Qui Nhơn trốn được về Gia Định. Phúc Dương vội vàng gọi Lý Tài về làm vây cánh cho mình. Lý Tài tiến quân về Gia Định, Đỗ Thanh Nhân phải bỏ Gia Định, chạy về căn cứ cũ Ba Giòng (tức Tam Phụ) Lý Tài ép Phúc Thuần nhường ngôi chúa cho Phúc Dương. Phúc Dương xưng là Tân chính vương và tôn Phúc Thuần làm Thái thượng vương. Lý Tài được phong làm bảo giá đại tướng quân.

Phúc Thuần và bọn cháu là anh em Nguyễn Ánh (tức Gia Long sau này) bỏ Gia Định trốn về Ba Giòng với Đỗ Thanh Nhân. Lý Tài đón bắt Phúc Thuần đưa về Gia Định Chỉ có anh em Nguyễn Ánh trốn thoát về với quân Đông Sơn.

Như vậy là bọn chúa Nguyễn đã chia làm hai phe: phe Nguyễn Phúc Thuần và phe Nguyễn Phúc Dương. Lực lượng quân sự của nhà Nguyễn ở Gia Định cũng chia làm hai phe, đánh lẫn nhau. Lý Tài và quân Hòa Nghĩa ủng hộ Nguyễn Phúc Dương. Đỗ Thanh Nhân và quân Đông Sơn ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần.
Tình hình đó chính là thời cơ thuận lợi để nghĩa quân Tây Sơn tiến vào đại phá Gia Định. Và nghĩa quân Tây Sơn đã không bỏ lỡ thời cơ. Vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ được cử làm tướng, đem quân đi đánh Gia Định.
Lần này, để tiến công quân Nguyễn, các lãnh tụ Tây Sơn tập trung một lực lượng tương đối quan trọng, có thủy binh và bộ binh cùng phối hợp tác chiến.
Kế hoạch tác chiến quy định:
1. Dùng thuỷ quân làm lực lượng tiến công chủ yếu, đánh chiếm Gia Định tiêu diệt quân chủ lực của nhà Nguyễn, sau đó mở rộng đánh chiếm các địa điểm quan trọng ở phía nam Gia Định như Long Hồ, Phiên Trấn.
2. Dùng bộ binh đánh thành Bình Thuận, tiêu diệt quân Nguyễn phòng ngự ở đây , sau đó giải phóng vùng Bình Thuận, Trấn Biên ở phía bắc Gia Định.
Cả hai đạo quân đều đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ.
Tháng Ba năm Đinh Dậu (1777), quân đội Tây Sơn bắt dầu tiến công.
Cánh quân đường thủy do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, tiến thẳng vào cửa biển Cần Giờ, đánh lên Gia Định.
Cánh quân đường bộ tiến theo đường núi đánh phá khắp một dải từ Phú Yên, Bình Thuận vào đến Trấn Biên, cắt đứt sự liên hệ giữa những cánh quân Nguyễn ở đây với những cánh quân Nguyễn ở Gia Định.
Được tin Nguyễn Huệ đem quân theo hai đường thủy bộ tiến vào, Nguyễn Phúc Dương để Lý Tài ở lại giữ thành Gia Định, tự mình đem một đạo quân lên đóng ở Trấn Biên, với ý định tránh đòn đánh mãnh liệt của Nguyễn Huệ, giữ vững lực lượng, chờ thời cơ phản công. Ý định ấy bị phá tan: bộ binh Tây Sơn đã vào tới Trấn Biên và bắt đầu tác chiến với quân Nguyễn. Hai bên giáp chiến. Quân Nguyễn bị thiệt hại nặng nề, phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn, chưởng trường đà Nguyễn Đại Lữ đều chết trận.
Trong lúc đó, tại Gia Định, Ngyyễn Huệ tiến công liên tiếp vào thành. Lý Tài đưa chủ lực ra cự chiến. Trước sức mạnh của quân Tây Sơn, đạo quân Lý Tài bị thất bại dồn dập và tan rã dần.
Thấy nguy cơ mất thành Gia Định, Nguyễn Phúc Dương quyết định để lại một bộ phận lực lượng úng phó với nghĩa quân tại Trấn Biên, còn đem hết quân về tăng viện cho Lý Tài, với ý định cùng Lý Tài cố thủ Gia Định. Nhưng Nguyễn Phúc Dương về tới Gia Định thì cũng là lúc thành Gia Định thất thủ. Nguyễn Huệ đem đại quân tiến công mãnh liệt vào thành Gia Định. Lý Tài phải bỏ thành đem quân tháo chạy. Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần chạy theo Lý Tài ra Hóc Môn. Nguyễn Huệ vào thành Gia Định và cho một đạo quân tiến về phía Hóc Môn truy kích bọn Lý Tài, Nguyễn Phúc Dương. Tại đây, trong khi Lý Tài đang tác chiến tuyệt vọng với quân Tây Sơn thì ở phía sau lưng, một đạo quân khác lao mình tiến tới. Lý Tài hoảng sợ, cho là Đỗ Thanh Nhân đem quân Đông Sơn đến đánh úp mình, vội vàng đem quân bản bộ chạy khỏi Hóc Môn, bỏ mặc Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần ở lại đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng đạo quân mới tới lại chính là quân Nguyễn. Tướng Nguyễn Trương Phúc Thận đem quân từ Cần Vọt (Kampot) đi gấp về Gia Định để cứu viện cho bọn chúa Nguyễn và Lý Tài. Được quân Trương Phúc Thận tới cứu, Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần cùng Trương Phúc Thận chạy về Tranh Giang (thuộc Định Tường).

Đạo quân Lý Tài sau khi rời khỏi trận địa Hóc Môn, không còn con đường nào khác ngoài con đường chạy về phía Ba Giòng, vì các ngả đường đều bị quân Tây Sơn chặn giữ. Mà chạy về Ba Giòng thì nguy hiểm cho Lý Tài, vì Ba Giòng là căn cứ của quân Đông Sơn. Nhưng cùng đường, Lý Tài đánh liều đem quân chạy về phía Ba Giòng, và quả nhiên, chạy gần tới Ba Giòng, quân Lý Tài bị quân Đông Sơn đón đánh và tiêu diệt gọn. Lý Tài cũng bị giết chết. Sau khi tiêu diệt quân Lý Tài, Đỗ Thanh Nhân cùng Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn đi tìm bọn chúa Nguyễn. Gặp quân Đông Sơn, Nguyễn Phúc Thuần liền tách khỏi bọn Nguyễn phúc Dương, đi theo quân Đông Sơn về Tài Phụ (thuộc Định Tường) và trao quyền tướng súy cho Đỗ Thanh Nhân.

Lý Tài đã chết, mối xung đột trong nội bộ chúa và tướng nhà Nguyễn tạm hòa hoãn. Đỗ Thanh Nhân và Nguyễn Phúc Thuần chủ trương phối hợp tác chiến với Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương. Kế hoạch dự định là: hai cánh quân lấy sông Tranh Giang làm ranh giới dựa lưng vào nhau để cùng chống đỡ cuộc tiến công của quân tây Sơn.

Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương chỉ huy hướng Tranh Giang. Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy hướng Tài Phụ, Đỗ Thanh Nhân đóng quân tại Giá Khê.
Tháng Tư âm lịch, Nguyễn Huệ cho quân tiến đánh cả hai hướng: Tài Phụ và Tranh Giang. Tại mặt trận Tài Phụ, quân Đông Sơn đại bại. Nguyễn Phúc Thuần chạy bạt sang Long Hưng (thuộc Định Tường). Từ Giá Khê, Đỗ Thanh Nhân cũng đem quân chạy theo sang Long Hưng.
Trước sức truy kích mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải chạy sang Cần Thơ mong dựa vào quân đội của Mạc Thiên Tứ để đối phó với quân Tây Sơn.
Tại mặt trận Tranh Giang, Nguyễn Phúc Dương và Trường Phúc Thận cũng không đương nổi sức tiến công mãnh liệt của nghĩa quân Tây Sơn và phải rút chạy xuống Trà Tân (thuộc Định Tường) rồi cùng thủy quân do chưởng cơ Thiêm Lộc chỉ huy rút về Ba Việt (tức Ba Vát, ở phía bắc cù lao Mỏ Cày, trên sông Cái Mơng, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre ngày nay). Tại đây, Nguyễn Phúc Dương cử Tống Phước Hựu đem quân giữ Mỹ Lung, Thiêm Lộc giữ Hương Đôi, còn Nguyễn Phúc Dương và Tống Phước Hòa đóng quân tại Ba Việt.
Ở phía Cần Thơ, sau khi Nguyễn Phúc Thuần chạy tới, Mạc Thiên Tứ cho con là Mạc Tử Duyên đem quân tiến ra đạo Đông Khẩu nhằm chặn đứng cuộc tiến công vũ bão của quân Tây Sơn. Nhưng Mạc Tử Duyên đã thất bại nặng nề, phải chạy về Cần Thơ, cùng Mạc Thiên Tứ lo kế phòng thủ[1]. Quân của Mạc Thiên Tứ cũng như quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân và toàn thể quân Nguyễn ở Gia Định, đều khiếp sợ tinh thần và sức mạnh chiến đấu của quân đội Nguyễn Huệ và sợ cả một thứ vũ khí riêng của quân đội Nguyễn Huệ là hỏa hổ. Giữa lúc chiến tranh đương diễn ra ác liệt như thế, một giáo sĩ ở Gia Định đã viết thư truyền tin cho giáo hội của họ biết về thứ vũ khí lợi hại đó. Theo miêu tả của giáo sĩ này thì hỏa hổ giống như một cái lao[1], gồm hai bộ phận. Một bộ phận tựa như một cái
gậy ngắn làm bằng loại gỗ cây có nhiều gai dài, những gai đó được uốn cong như những lưỡi câu. Gậy gai lưỡi câu ấy buộc nối vào một bộ phận thứ hai, dài như cái sào.
Phía trên đầu sào trát dày một thứ nhựa đốt, bên ngoài quấn lá, làm thành một thứ đuốc đặc biệt, vừa là đuốc vừa là lao. Khi ra trận, nghĩa quân đốt đầu đuốc nhựa và khua sào ra phía trước, nhựa đuốc đốt cháy, vung bắn vào
địch, bắt cháy, địch sẽ bị chết cháy, nếu không thì cũng bị cháy bỏng nghiêm trọng. Khi tới gần địch, nghĩa quân khua sào, lao đầu gậy gai lưỡi câu vào người địch, gai lưỡi câu móc vào quần áo địch. Địch lúng túng không gỡ ra được, đành chịu chết cháy vì nhựa đuốc hoặc đành để nghĩa quân bắt sống tại trận[1]. Thấy Mạc Thiên Tứ không thể đương đầu nổi với nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thanh Nhân và thuộc tướng Nguyễn Quân tìm đường lẻn ra Bình Thuận, Phú Yên, gọi bọn Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức vào cứu. Tháng Bảy âm lịch, Đỗ Thanh Nhân tới Bình Thuận, Trần Văn Thức đem quân tiến vào cứu bọn chúa Nguyễn. Chu Văn Tiếp ở lại Bình Thuận đối phó với bộ binh Tây Sơn đang đánh phá suốt miền Phú Yên, Bình Thuận, Biên Hòa... Nhưng quân cứu viện của Trần Văn Thức chưa ra khỏi địa phận Bình Thuận thì bộ binh Tây Sơn ở phía Biên Hòa đã tiến lên chặn đánh và tiêu diệt toàn bộ đạo quân cứu viện này.
Trần Văn Thức chết trận. Chu Văn Tiếp bỏ chạy. Nghĩa quân Tây Sơn chiếm đóng Bình Thuận.

Trong khi bộ binh Tây Sơn đánh phá quân cứu viện Bình Thuận, thủy binh Tây Sơn cũng tiến công vào quân đội của Nguyễn Phúc Dương ở Ba Việt. Nhiều tướng lĩnh thân cận của Nguyễn Phúc Dương như Tôn Thất Chí, Nguyễn Mẫn, Tống Phước Hữu đều chết tại đây. Chỉ còn lại Tống Phước Hòa một mình cầm quân cố gắng chống đỡ.

Tháng Tám âm lịch, Nguyễn Huệ cho thêm một cánh quân đi đánh Hương Đôi. Tướng Nguyễn đóng giữ ở đây là Thiêm Lộc phải bỏ chạy về Ba Việt. Bị quân Tây Sơn bao vây chặt chẽ, Nguyễn Phúc Dương thấy đến thế cùng, quân tan lương hết, muốn tìm đường chạy trốn theo Chu Văn Tiếp. Nhưng Nguyễn Phúc Dương đã không thể thoát khỏi vòng vây của quân Tây Sơn, và vòng vây ấy ngày càng thắt chặt lại. Quân Nguyễn Phúc Dương đã bị bắt gọn, không trốn thoát một người nào. Nguyễn Phúc Dương và 18 tướng lĩnh tùy tùng bị đưa về Gia Định chịu tội tử hình[1] ngày tân hợi tháng Tám năm Đinh Dậu[2] tức 18 tháng 9 năm 1777.

Nguyễn Phúc Thuần ở Cần Thơ nghe tin Nguyễn Phúc Dương bị vây ở Ba Việt, cũng rất lo sợ cho số phận mình. Thấy Cần Thơ không phải là nơi thủ hiểm, không đủ sức đương đầu với những cuộc tiến công của quân Tây Sơn. Mạc Thiên Tứ quyết định cùng Nguyễn Phúc Thuần rời khỏi Cần Thơ, đi theo sông Thiển Giang, lánh ra đất Kiên Giang (Rạch Giá) với ý định nếu quân Tây Sơn đuổi tới Kiên Giang thì lẩn trốn ra các hải đảo. Mạc Thiên Tứ lại cho con là Mạc Tử Duyên cùng một số quân sĩ ở lại sau, chặt cây, lấp dòng sông Hiệp Giang để ngăn chặn quân Tây Sơn truy kích[3].

Nhưng Nguyễn Phúc Thuần, Mạc Thiên Tứ chưa kịp đến Kiên Giang, đã được tin Nguyễn Phúc Dương bị bắt. Nguyễn Phúc Thuần vô cùng hoảng sợ, không yên tâm chạy ra Kiên Giang. Cùng đường, Mạc Thiên Tứ bàn với Nguyễn Phúc Thuần cùng đem vợ con chạy sang Quảng Đông, nương nhờ nhà Thanh và yêu cầu vua Thanh cho quân sang đánh Tây Sơn. Mạc Thiên Tứ cho người đưa Nguyễn Phúc Thuần tạm lánh sang Long Xuyên để chờ tàu[4], còn mình thì đi ra cửa biển Rạch Giá, tìm chiếc tàu biển của một người quen là Quách Ân để nhờ đưa giúp thầy trò nhà Nguyễn sang Quảng Đông[5].
Nguyễn Phúc Thuần và một số tướng lĩnh tới Long Xuyên tháng Tám năm Đinh Dậu (1777).
Tháng Chín âm lịch, quân Tây Sơn do Chưởng Cơ Thành chỉ huy, truy kích tới Long Xuyên. Nguyễn Phúc Thuần và toàn bộ tướng lĩnh nhà Nguyễn ở dây đều bị quân Tây Sơn bắt sống, chỉ có Nguyễn Ánh lúc ấy mới 15 tuổi, cùng mẹ và một số anh chị em trốn thoát. Quân Tây Sơn tiếp tục tiến xuống Rạch Giá, tìm bắt Mạc Thiên Tứ. Nhưng Mạc Thiên Tứ đã kịp thời chạy trốn ra đảo Phú Quốc[1].

Nguyễn Phúc Thuần và các tướng lĩnh như cha con Trương Phúc Thận, Nguyễn Danh Khoáng, Nguyễn Phúc Đồng (anh ruột Nguyễn Ánh), v.v. đều chịu tội chết ở Gia Định ngày canh thìn tháng Chín năm Đinh Dậu, [2] tức ngày 19 tháng 10 năm 1777.

Như thế là cả bọn chúa Nguyễn đương thời, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương cùng đại bộ phận tướng lĩnh và quân đội nhà Nguyễn đều bị tiêu diệt. Toàn bộ đất đai miền Gia Định, từ Phú Yên đến Hà Tiên, thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Nhiệm vụ của Nguyễn Huệ trong cuộc tiến quân này tới đây hoàn thành. Cho nên cũng trong tháng Chín âm lịch, sau khi cuộc tiến công kết thúc, Nguyễn Huệ đem quân chủ lực về Qui Nhơn, chỉ để một vài viên tướng và một đội quân nhỏ ở lại chiếm đóng Gia Định.

**
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ chỉ huy một cuộc tiến quân lớn. Năm ấy ông mới 25 tuổi. Cuộc tiến quân đã diễn ra trong vòng sáu tháng và đã thành công rực rỡ. Với cuộc tiến quân này, Nguyễn Huệ đánh tan quân đội nhà Nguyễn, lật đổ ngôi chúa mấy trăm năm của dòng họ Nguyễn và cùng một lúc giết chết cả hai chúa Nguyễn: Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương, đem lại toàn bộ đất đai miền Gia Định cho nghĩa quân Tây Sơn.

Thắng lợi của cuộc tiến quân này thật là lớn lao. Chiến công của vị tướng trẻ tuổi chỉ huy cuộc tiến quân này thật là đáng kính. Và bản thân chiến công ấy cũng là một bài học quí báu cho chúng ta.

Khác với cuộc đánh úp năm 1776, cuộc tiến quân này có mục đích rất kiên quyết, có hai nhiệm vụ chủ yếu rất nặng nề: tiêu diệt lực lượng quân sự chủ yếu của chúa Nguyễn và giải phóng toàn bộ đất đai miền Gia Định. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, cần có một quyết tâm chính xác và một thế trận thật thích hợp. Lúc đó, tổng binh lực của chúa Nguyễn còn đông, chia thành nhiều đạo quân đóng rải từ Bình Thuận qua Gia Định đến Cần Thơ.

ở Bình Thuận có đạo quân Chu Văn Tiếp, tại thành Gia Định, có đạo quân Lý Tài, ở Ba Giòng có căn cứ quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân, phía Cần Thơ, có đạo quân của Mạc Thiên Tứ, xa hơn nữa, về phía tây, còn có một bộ phận lực lượng do Trương Phúc Thận chỉ huy đóng gần Cần Vọt.

Nguyễn Huệ hạ quyết tâm tiến công quân địch trên hai hướng, đường bộ và đường thủy, lấy hướng đường thủy làm hướng tiến công chủ yếu, nhằm vào mục tiêu trước mắt là đạo quân Lý Tài ở thành Gia Định. Hướng tiến công thứ yếu đo bộ binh đảm nhiệm, đánh phá Phú Yên, Bình Thuận, chặn giữ không cho đạo quân Chu Văn Tiếp tiến vào tiếp viện cho các đạo quân Nguyễn ở Gia Định.

Xung đột với đạo quân Đỗ Thanh Nhân và không liên lạc được với đạo quân Chu Văn Tiếp, đạo quân Nguyễn Phúc Dương - Lý Tài ở Gia Định tuy khá mạnh nhưng trở thành cô lập. Tiến công thành Gia Định trong điều kiện kẻ địch ở đây bị cô lập như vậy, Nguyễn Huệ nhất định nắm chắc phần thắng lợi. Qua sự chỉ huy cuộc tiến quân này của Nguyễn Huệ, người ta thấy ông đã phân tích toàn diện tình hình địch, phán đoán chính xác những chỗ yếu của địch, chọn đúng hướng tiến công và mục tiêu tiến công, bố trí lực lượng một cách thích đáng để giành toàn thắng về phía nghĩa quân.

Trong quá trình diễn biến của cuộc tiến quân, một vấn đề nổi bật lên là sự giành quyền chủ động của cả hai bên.

Đương nhiên, với lực lượng ưu thế tiến công trên mục tiêu chủ yếu, quân đội Tây Sơn đã giữ quyền chủ động ngay từ lúc đầu. Nhưng quân đội Nguyễn không bị đánh bất ngờ và đã chuẩn bị đối phó. Khi chạy sang đầu hàng chúa
Nguyễn, Lý Tài đem theo quân bản bộ Hòa nghĩa gồm trên 8.000 người. Sau đó, lực lượng này còn có thể tăng lên, và trở thành đạo quân chủ lực của phe chúa Nguyễn Phúc Đương. Với lực lượng khá lớn, có thành lũy, công sự che
chở, đạo quân Lý Tài ở lại Gia Định có khả năng ngăn chặn được cuộc tiến công của quân đội Tây Sơn, kéo dài thời gian chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công sau này. Còn Nguyễn Phúc Dương tự đem một lực lượng vũ trang chuyển về Trấn Biên với ý định dựa vào địa thế phức tạp ở đây để bảo toàn lực lượng, chờ đợi thời cơ. Đồng thời Nguyễn Phúc Dương điều động đạo quân Trương Phúc Thận từ Cần Vọt về Gia Định nhằm đánh vào sau lưng đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ. Mục đích của Nguyễn Phúc Dương là muốn dùng quân Lý Tài kéo dài cuộc phòng ngự, nhằm tranh thủ thời gian, để đưa lực lượng từ nhiều hướng đến. Khi cuộc tiến công của quân Tây Sơn đã bị ngăn chặn lại, và lực trong từ các hướng đã tới nơi, Nguyễn Phức Dương sẽ từ bị động giành lại chủ động, tạo nên ưu thế cục bộ và hình thái có lợi rồi chuyển sang phản công, nhằm đánh tan cuộc tiến công của Nguyễn Huệ. Thế là ngay từ những ngày đầu của cuộc tiến quân đã thể hiện rõ rệt sự đấu tranh giành quyền chủ động của cả hai bên.

Vị tướng trẻ Tây Sơn đã phá tan âm mưu của quân Nguyễn. Ông đã tập trung binh lực, ưu thế, kiên quyết nhằm vào mục tiêu trọng yếu mà đánh mãnh liệt, liên tục và nhanh chóng. Trận tiến công của Nguyễn Huệ vào Gia
Định đã được sự hiệp đồng tích cực và mật thiết của cánh quân tiến công trên hướng thứ yếu của chiến dịch. Từ muốn thoát khỏi thế bị động, Nguyễn Phúc Dương và Lý Tài càng đi sâu vào bị động. Nguyễn Phúc Dương bị bắt buộc phải tăng cường lực lượng cho Lý Tài. Nhưng việc tăng cường đã không có tác dụng. Quân Nguyễn muốn kéo dài thời gian phòng ngự để thành chủ động, nhưng thắng lợi nhanh chóng của Nguyễn Huệ đã đẩy quân Nguyễn đi sâu vào bị động.
Tập trung binh lực để tiến công, giữ vững quyết tâm tiến đánh mục tiêu chủ yếu, không để cho tình huống biến hóa phức tạp, Nguyễn Huệ đã giữ hoàn toàn quyền chủ động, đạt được tiêu diệt sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của đợt đầu là tiêu diệt đạo quân Lý Tài và giải phóng thành Gia Định. Thời kỳ quyết liệt nhất, cũng là thời kỳ quyết định, mang lại toàn thắng cho quân đội Tây Sơn.
Trong thời kỳ hai của cuộc tiến quân, sự chỉ huy của Nguyễn Huệ càng linh hoạt. Tiêu diệt xong đạo quân Lý Tài, ông đã thực hiện sự chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho nghĩa quân Tây Sơn. Quân đội Nguyễn ở Gia Định đã mất một đạo quân lớn. Lý Tài chết và đạo quân Hòa nghĩa bị tiêu diệt tuy có làm cho cuộc xung đột giữa hai phe chúa Nguyễn bớt căng, nhưng chúng vẫn không thể thống nhất được lực lượng để tập trung đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Trên bước đường cùng, chúng phải tạm thời hòa hoãn, tạm thời hợp tác với nhau, nhưng chúng vẫn là những đạo quân hoàn toàn cô lập, khiến quân đội Tây Sơn có thể tập trung tiêu diệt nhanh chóng từng đạo quân Nguyễn.
Trên chiến trường Gia Định lúc ấy, quân Nguyễn có hai đạo quân. Đạo quân Nguyễn Phúc Dương - Trương Phúc Thận đã yếu nhiều vì mất đạo quân Hòa nghĩa của Lý Tài.

Đạo quân Nguyễn Phúc Thuần - Đỗ Thanh Nhân tương đối mạnh hơn vì đạo quân Đông Sơn vẫn còn Nguyễn vẹn và đạo quân này còn đó khả năng được đạo quân Mạc Thiên Tứ ở Cần Thơ tiếp viện. Nhận định rõ toàn hộ chiến trường, Nguyễn Huệ nhanh chóng hạ quyết tâm mới: tiến công địch trên cả hai hướng, dồn nỗ lực chủ yếu vào đạo quân Đông Sơn. Nắm chắc tình hình các đạo quân Nguyễn ở Phú Yên, Bình Định không thể liên lạc được với Gia Định, không thể tiếp viện cho Gia Định vì bị bộ binh Tây Sơn chặn phá, Nguyễn Huệ yên tâm đưa chủ lực tiến đánh Tài Phụ và Tranh Giang. Ông tập trung binh lực tiêu diệt nhanh chóng một lực lượng quân Nguyễn, sau đó lại mau lẹ tập trung trên hướng khác, liên tục tiến công, tiêu diệt nhanh chóng một lực lượng khác, khiến cho các đạo quân Nguyễn không còn đủ thời gian để đối phó một cách có hiệu quả và rơi vào thế hoàn toàn bị động.
Kết quả là cả hai đạo quân Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần đều lần lượt bị tiêu diệt nhanh chóng trước sức tiến công mạnh mẽ và liên tục của đạo quân chủ lực Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy.

Trong trận giải phóng Phú Yên và cuộc tiến quân giải phóng Gia Định lần này, những đặc trưng cơ bản về tư tưởng chiến thuật của Nguyễn Huệ đã thể hiện rất rõ: Trong tác chiến, điều mà Nguyễn Huệ quan tâm trước hết là khối sinh lực địch cần phải tiêu diệt, chứ không phải thành lũy, đất đai cần chiếm giữ. Cho nên dù trong một trận chiến đấu hay trong toàn bộ cuộc tiến quân cùng làm hai nhiệm vụ: tiêu diệt địch và giải phóng đất đai, bao giờ Nguyễn Huệ cũng lấy tập đoàn vũ trang địch làm mục tiêu để công kích và tiêu diệt triệt để. Giải quyết được mục tiêu đó, tức hoàn thành được cả hai nhiệm vụ.

Trong chiến đấu, Nguyễn Huệ thường tập trung binh lực giành ưu thế cục bộ đánh mãnh liệt vào một điểm, một mục tiêu, rồi lại tập trung binh lực đánh một điểm, một mục tiêu khác. Do đó các đòn đột kích đều có tính chất quyết định. Hành động của Nguyễn Huệ bao giờ cũng ở vào thế chủ động, mà kết quả là thực hiện được tiêu diệt sinh lực địch.

Trong một trận chiến đấu và cả một cuộc tiến quân lớn trong đó bao gồm nhiều trận chiến đấu, bố trí thế trận của Nguyễn Huệ thông thường là tập trung công kích một mục tiêu, một hướng, đồng thời có lực lượng trợ công trên nhiều mặt, nhiều hướng khác. Bố trí như vậy, một mặt Nguyễn Huệ vẫn thực hiện được tập trung binh lực, mặt khác, lại phân tán binh lực và sức đối phó của đối phương.

Trong quá trình tác chiến, thực hiện cơ động mau lẹ và đánh nhanh giải quyết nhanh, không ngừng tạo thành nhiều ưu thế cục bộ, để giành ưu thế toàn cục.

Hiệp đồng chặt chẽ và khéo léo giữa các binh chủng, đặc biệt là giữa bộ binh và thủy binh. Nguyễn Huệ sử dụng linh hoạt các binh chủng, tùy theo từng trận chiến đấu, từng tình huống chiến đấu mà trao cho binh chủng này hay binh chủng khác nhiệm vụ có tính chất quyết định, có sự phối hợp đắc lực của các binh chủng khác cùng tham chiến.

Xét về thực chất, đó là tư tưởng đánh tiêu diệt, lấy việc tiêu diệt triệt để sinh lực làm mục tiêu chủ yếu, không phải tư tưởng lấy việc đánh chiếm thành lũy làm mục đích của tiến công. Tư tưởng chiến thuật đó được quán xuyến trong toàn bộ cuộc tiến quân và các trận chiến đấu mà Nguyễn Huệ tổ chức và thực hành sau này trong suốt cuộc đời làm tướng của ông.

Còn tiếp...
________________________________________
"Cuộc đời là một dòng nước chảy, nếu ta không tiến ắt sẽ bị lùi!"
nguoi_con_dat_vo
Đội hình 2
Đội hình 2
 
Posts: 294
Joined: Thu Apr 24, 2008 12:38 pm
Location: Trường Nguyễn Thái Học - Niên khóa 1996-1999
Blog: View Blog (1)
Top

Post a reply

Smilies
em22 em36 em26 em39 em29 em35 em31 em34 em32 :D :) ;) :( :o :shock: :? 8-) :lol: :x :P :oops: :cry: :evil: :twisted: :roll: :!: :?: :idea: :arrow: :| :mrgreen: :geek: :ugeek:
Quote Selected
 

Return to Võ thuật và võ nhân Bình Định

Who is online

Users browsing this forum: Alexa [Bot] and 0 guests