Cầu thủ Bình Định

Moderators: Quy Ninh, Bình Lâm, Casanova

Cầu thủ Bình Định

Postby bubi on Sat Aug 23, 2008 9:29 am

Thịnh “gỗ”


Khi chiếc băng đội trưởng U.21 BĐ được trao cho Nguyễn Văn Thịnh - cầu thủ quê An Nhơn đã chứng tỏ được vị trí của mình ở VCK U.21 toàn quốc - Cúp Báo Thanh Niên năm nay, thì cái tên Thịnh “gỗ” mới chính thức trở lại.

Đứa con lưu lạc

Sinh ra, lớn lên và học bóng đá ở Bình Định (BĐ), nhưng sự nghiệp của Nguyễn Văn Thịnh không suôn sẻ như đám bạn cùng trang lứa. Ở BĐ, cơ hội cho cầu thủ trẻ là ít, do sự cầu toàn đặc thù của bóng đá xứ này. Là một phần quan trọng của U.21 BĐ giành ngôi cao nhất giải bóng đá trẻ U.21 Cúp Báo Thanh Niên 2005, nhưng Thịnh “gỗ” đã phải lưu lạc vào Sài Gòn, chơi cho CLB TP.HCM 1 năm, theo dạng hợp đồng cho mượn. Ở vị trí trung vệ, Văn Thịnh không có nhiều cơ hội ra sân, do tuyến phòng ngự của đội bóng đã được định hình từ trước đó. Một năm qua đi, ở nơi đất khách quê người với Thịnh “gỗ” vì thế rất buồn tẻ. Anh cố gắng bám víu, làm tròn vai, vì thực tế, Văn Thịnh không phải là mẫu cầu thủ đa năng.


Sau một năm gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước”, CLB lại rớt hạng và đó là một thất bại dễ nhận thấy nhất với sự nghiệp của Văn Thịnh. “Gỗ” cùng đồng đội quay lại theo lệnh triệu tập, trong chiến dịch bảo vệ chức vô địch U.21 của BĐ ở Đà Nẵng 2006, nhưng bất thành. BĐ bị đánh bật khỏi bán kết, sau màn thể hiện nghèo nàn. Toàn bộ đội hình U.21 lúc đó, kể cả HLV Nguyễn Ngọc Thiện được cho Kiên Giang mượn để đá giải hạng nhì, trong đó không có cái tên Văn Thịnh. Nếu không đá bóng nữa, thì về nhà làm ruộng à, Thịnh nghĩ thế! Trung vệ có khuôn mặt khắc khổ này lại khăn gói ra Hà Nội, đầu quân cho một CLB hạng nhì khác là T&T. May mắn bắt đầu mỉm cười với Thịnh “gỗ” khi T&T giành suất lên chơi ở giải hạng nhất mùa bóng tới.

Thời của “Thịnh và những người bạn”

Mặc dù U.21 Bình Định không đoạt ngôi cao nhất tại VCK 2007 tại Nha Trang vừa rồi, nhưng với “chuyên gia” đào tạo trẻ - HLV Nguyễn Ngọc Thiện, thì bóng đá trẻ BĐ đã thực sự bước sang một trang mới. Văn Thịnh, Thanh Sang, Thành Tài là 3 trong số những cái tên ít ỏi được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của VCK lần thứ 11, phần lớn họ chơi rất tốt ở giải U.21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên, sau đó. “Rất tiếc khi U.21 BĐ không thể đi đến trận cuối cùng. Tuy nhiên, với cá nhân em, những ngày lao động mệt mỏi cuối cùng đã có kết quả, khi mình được thừa nhận” - Văn Thịnh thở phào nhẹ nhõm.

Sau hàng loạt các cuộc đào thoát khỏi đất võ, ở đội hình 1 thời gian vừa qua, BĐ đã và đang phải thay máu gần như toàn bộ. Lứa cầu thủ sinh từ 1985 - 1988 của Văn Thịnh bắt đầu có cơ hội. Họ sẽ tiếp tục được gắn bó với thầy Thiện, khi HLV này được bổ nhiệm để thay thế người tiền nhiệm Dương Ngọc Hùng và đó thực sự là cơ phận. “Dù muốn hay không, thì chúng tôi cũng buộc phải làm thế, sau khi đội bóng mất quá nhiều các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm. Việc đôn lên hàng loạt các cầu thủ trẻ, không có nghĩa rằng tôi vồn vã, vì thực tế họ đều có khả năng và đã được thử lửa rất nhiều ở các giải đấu - mọi cấp độ, trước đó. Tôi tin đội bóng sẽ nhanh chóng được định hình và chơi tốt” - tân HLV trưởng Pisico Bình Định - Nguyễn NgọcThiện, nói về lứa các học trò trẻ của mình, trong đó có Văn Thịnh.

Hình thể khá lý tưởng cho mẫu trung vệ (Văn Thịnh cao 1m75, nặng 65 kg), Thịnh “gỗ” chơi cần cù và luôn tròn vai. Tương lai còn rất dài và với Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1985 - NV), mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

Trần Hải
Mãi mãi là CĐV của Bình Định. Mãi mãi yêu Bình Định
bubi
Đội hình 2
Đội hình 2
 
Posts: 293
Joined: Sun Apr 13, 2008 10:44 pm
Location: Hà Nội
Blog: View Blog (13)
Top

Re: Cầu thủ Bình Định

Postby bubi on Sat Aug 23, 2008 9:35 am

Thủ môn Tô Vĩnh Lợi

Trong số các tân binh của tuyển Olympic VN tại Cúp bóng đá Thủ đô 2006, người được đánh giá cao nhất chính là thủ môn Tô Vĩnh Lợi (21 tuổi, cao 1,78m, nặng 75kg). Đánh giá này không chỉ xuất phát từ việc Lợi giữ sạch mành lưới sau 180 phút mà chính là phong cách thi đấu tự tin và phản xạ tuyệt vời của anh. Vĩnh Lợi là sản phẩm của “lò” Bình Định, nơi cung cấp rất nhiều thủ môn giỏi cho đội tuyển quốc gia như Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang.
Tô Vĩnh Lợi từng là thủ môn dự bị của tuyển U-16 VN từng gây chấn động với trận thắng U-16 Trung Quốc 3-2 trên sân Chi Lăng ở Giải vô địch U-16 châu Á năm 2000. Năm 2004, Lợi được tăng cường cho Bình Thuận dự Giải hạng nhì toàn quốc. Lượt về V-League 2005, Lợi xuất hiện trong màu áo Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn. Ở V-League 2006, do phong độ xuất sắc của đàn anh Minh Quang nên Lợi chỉ được bắt chính sáu trận.

HLV Dương Ngọc Hùng kể: “Năm 1998, tại Giải bóng đá học sinh cấp II Bình Định, Lợi nổi bật khi đứng giữa hai trụ thành của đội tuyển cấp II huyện An Nhơn. Cảm nhận đây là một thủ môn nhiều triển vọng, tôi liền đề nghị Sở TDTT liên hệ với gia đình đưa em về Trường Năng khiếu nghiệp vụ. Một năm sau, Lợi tiến bộ nhanh đến mức được đặc cách lên tập luyện cùng với các đàn anh Minh Quang, Văn Cường, Quốc Việt ở đội một Bình Định. Được đào tạo cơ bản sớm, có tố chất tốt, hội đủ kỹ thuật cá nhân, siêng năng trong rèn luyện và nhất là luôn lắng nghe sự chỉ dẫn từ các đàn anh là những đức tính giúp Lợi phát triển nhanh hơn so với các cầu thủ cùng lứa”.

M.HÀ
Last edited by bubi on Sat Aug 23, 2008 9:53 am, edited 1 time in total.
Mãi mãi là CĐV của Bình Định. Mãi mãi yêu Bình Định
bubi
Đội hình 2
Đội hình 2
 
Posts: 293
Joined: Sun Apr 13, 2008 10:44 pm
Location: Hà Nội
Blog: View Blog (13)
Top

Re: Cầu thủ Bình Định

Postby bubi on Sat Aug 23, 2008 9:38 am

Lê Phương Thời
Bất chấp việc hàng phòng ngự B.BĐ thủng lưới đến 25 bàn cho đến thời điểm này, hậu vệ cánh phải Lê Phương Thời chính là một điểm nhấn ấn tượng ở khả năng công thủ toàn diện và một thể lực sung mãn tuyệt vời.

Năm 2001, Lê Phương Thời chỉ mới cao 1m45 và nặng có… 32 kg. Dù tí hon như vậy nhưng Thời cực kỳ nhanh nhẹn và lỳ lợm ở các trận đấu phủi với bạn bè cùng trang lứa. Chính vì cái sự lỳ lợm ấy mà cậu nhóc có thân hình nhỏ bé này khiến cho một đàn anh 18 tuổi, khi ấy đang theo tập ở đội năng khiếu Bình Định phục lăn và ngỏ ý: Mày lỳ như vậy không chừng sau này làm cầu thủ chuyên nghiệp được! Thôi theo tao xuống đội năng khiếu tập thử xem! Cũng từ lời mời chơi này mà Thời đã cùng một người bạn thân theo chân người anh lớn nọ tìm HLV Phan Kim Lân xin theo tập cùng đồng đội.

Những ngày đầu tiên theo tập cùng đội năng khiếu Bình Định quả là một thử thách lớn đối với 2 cậu nhóc 12 tuổi. Bởi nhà của Lê Phương Thời ở tận thị trấn Diêu Trì, cách TP Qui Nhơn đến 12 km. Điều đáng nói là mỗi ngày 2 cậu nhóc này phải “nuốt” trọn 24 km cả đi lẫn về trên chiếc xe đạp cà tàng (ngoài những phút mệt bở hơi tai vì theo giáo án tập luyện của HLV). Ngoài ra, Thời lại phải nói dối gia đình là… đi học và đi tập vào lúc 12 giờ trưa để kịp buổi tập cùng đồng đội.

Điều đáng khích lệ là chỉ sau tuần tập đầu tiên, ông Phan Kim Lân nhanh chóng phát hiện ở Thời tố chất của một cầu thủ giỏi và ông động viên cậu nhí này bằng khoản tiền túi 100.000 đồng/tháng gọi là tiền uống nước bồi dưỡng sau những đợt đi, về 24 km vất vả. Sau 4 tháng, Thời tiến bộ rõ rệt cả về mặt thể lực lẫn kỹ thuật khiến cho HLV Phan Kim Lân mê mẩn và đến tận gia đình để xin gọi cầu thủ nhí này tập trung ăn tập cùng đội năng khiếu.

Lòng tin của HLV Phan Kim Lân không hề phí phạm khi Lê Phương Thời tiến bộ vùn vụt và chỉ mới 17 tuổi Thời đã được HLV Nguyễn Ngọc Thiện giao hẳn vị trí hậu vệ phải trong 2 năm liền ở đội U.21. Không những chơi xuất sắc ở đội trẻ này, Thời còn được ông Thiện tin tưởng giao phó vị trí hậu vệ phải của đội B.BĐ tại V.League. Tính đến thời điểm này Lê Phương Thời là người chơi nhiều nhất trong đội hình đội bóng đất Võ.

Không chỉ góp mặt trong đội hình chính 13/15 trận đã đấu của B.BĐ, Lê Phương Thời còn là cầu thủ chạy nhiều nhất đội khi cầu thủ này hết công rồi lại thủ ở hành lang phải B.BĐ. Không phải ngẫu nhiên mà các đồng đội lại đặt Thời biệt danh Thời “lăng”, tức là lăng xăng vì luôn chơi nhiệt tình và xông xáo. Dù nhỏ con (cao 1m 65, nặng 52 kg) nhưng ở Thời hội đủ tất cả các phẩm chất tốt nhất của một hậu vệ cánh: công thủ toàn diện, tạt bóng chuẩn và có đầy đủ tự tin về mặt kỹ thuật để khoan phá vào nách trung lộ đối phương.

Ở tuổi 19 của mình, tương lai đang rộng mở đối với Lê Phương Thời. Nếu tiếp tục thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc như trong thời gian qua, rất nhiều khả năng cậu bé tí hon năm nào phải đạp xe 24 km/ngày để đến với bóng đá sẽ là một hậu vệ tên tuổi của bóng đá Việt Nam.

(HOA KHÁNH)
Last edited by bubi on Sat Aug 23, 2008 9:53 am, edited 1 time in total.
Mãi mãi là CĐV của Bình Định. Mãi mãi yêu Bình Định
bubi
Đội hình 2
Đội hình 2
 
Posts: 293
Joined: Sun Apr 13, 2008 10:44 pm
Location: Hà Nội
Blog: View Blog (13)
Top

Re: Cầu thủ Bình Định

Postby bubi on Sat Aug 23, 2008 9:44 am

Nirut Surasiang


Bốn năm là một quãng thời gian không dài đối với một đời người nhưng đủ biến Nirut Surasiang trở thành một “người Việt” thứ thiệt tại Boss Bình Định. Không chỉ vậy, xung quanh chuyện chàng tuyển thủ Thái Lan này bén duyên cùng trái bóng tròn là cả một câu chuyện đầy thú vị.

Đi đá bóng để cha… đỡ tốn tiền
Gia đình Nirut cũng giống như bao gia đình nông dân khác ở miền Nam Thái Lan, rất nghèo. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào những rẫy mía và bố mẹ của anh quanh năm phải làm quần quật để kiếm sống trên những rẫy mía rộng bạt ngàn. Dù rất chăm chỉ làm ăn, thậm chí cha của Nirut còn phải làm thêm khung cửa sắt, thợ hồ cho nhiều người trong vùng, nhưng kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn.

Nirut nhớ lại: “Nhà tôi có thể là nhà nghèo nhất vùng. Bố mẹ tôi rất chăm chỉ và làm việc rất giỏi, nhưng việc chị gái của tôi đi học ĐH Marketing cộng với nguồn thu nhập từ nông nghiệp không mấy ổn định đã khiến cho chúng tôi phải sống trong nghèo khó, thậm chí một mảnh đất cắm dùi cũng không có. Gia đình tôi phải ở nhờ trên đất của người khác cho đến tận khi tôi vào ĐTQG và dành dụm được một số tiền nhỏ để mua đất, cất nhà”.

Dù nhà rất nghèo nhưng ông Tanom - cha của Nirut, vẫn rất thương yêu cậu con trai duy nhất của mình. Mối lương duyên của Nirut đối với trái bóng tròn được chính bố anh vun vén. Khi Nirut mới được 5 tuổi, phát hiện con trai đặc biệt thích thú với những trận bóng đá trên ti vi, ông liền mua cho Nirut một quả bóng thật đẹp. Dù chưa từng là cầu thủ, nhưng chính cha của Nirut là người thầy đầu tiên của anh khi ông tập cho Nirut mọi động tác kỹ thuật cơ bản và khích lệ cho con mình chơi bóng đá mỗi ngày. Quả bóng bằng da cũ kỹ đã theo Nirut và đám bạn cùng xóm suốt những ngày thơ ấu.

Nhờ thể hình khá tốt, cộng với kỹ thuật khá điêu luyện, kể từ năm lớp 3 Nirut đã trở thành một ngôi sao trong trường. Tuy nhiên, tài năng của Nirut chỉ thực sự được phát triển kể từ năm anh học lớp 7. Ngày ấy, ngôi trường Sarasit Pittayalai lần đầu tiên có được một thầy thể dục đúng nghĩa. Thầy Sunton sau đó đã tổ chức đội bóng đá trường Sarasit Pittayalai một cách bài bản và đưa đội bóng này liên tục đoạt ngôi vô địch bóng đá tỉnh Latchapuli. Chính thầy Sunton đã khuyến khích Nirut nên tiếp tục theo đuổi con đường bóng đá thay vì chơi môn cầu mây hay bóng rổ (những môn này Nirut đều chơi cực hay).

Do ở Thái Lan mọi học sinh đã phải định hướng nghề nghiệp cho mình ngay từ khi bước vào lớp 10, nên học xong lớp 9 Nirut đã phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Cha của Nirut mong anh cũng đi học ĐH như chị của anh và phải tốt nghiệp ĐH xây dựng. Tuy rất muốn làm theo lời cha, nhưng Nirut cũng biết tình hình kinh tế gia đình đang rất khó khăn. Nếu học trường trung học xây dựng, mỗi năm gia đình anh phải tốn không dưới 24.000 bath (tương đương 10 triệu đồng), còn ở ĐH xây dựng, số tiền sẽ tăng theo cấp số nhân.

Chính từ suy nghĩ này mà Nirut đã có một quyết định khá táo bạo: bỏ trốn khỏi buổi báo danh tại trường trung học xây dựng để cùng anh chàng Vimon (sau này cũng là một tuyển thủ QG Thái Lan) khăn gói lên Bangkok tham gia lớp dự tuyển bóng đá tại trường trung học Ratchadamnern Commercial. Lý do rất đơn giản: trường này có quỹ học bổng toàn phần cho các học sinh giỏi thể thao và Nirut muốn cha đỡ vất vả nuôi mình ăn học.

Chỉ sau có 5 phút kiểm tra, Nirut (khi ấy là một tiền vệ) đã chuyền 3 đường chuyền cho tiền đạo Vimon ghi bàn và 2 người cùng dắt tay nhau vào học tại trường trung học Ratchadamnern Commercial. Cả 3 năm học phổ thông ở đây và 2 năm ĐH chuyên sâu ngành marketing, Nirut không tiêu tốn một xu nào của cha mình. Đó là cả một niềm hãnh diện của chàng học sinh Nirut Surasiang.

Một cầu thủ đặc sệt Bình Định
Chơi cho Bình Định 4 năm ròng rã, bởi thế nên thật không khó hiểu khi Nirut gần như trở thành “dân Bình Định” đúng nghĩa. Sau một thời gian khá vất vả trong giao tiếp với nhóm cầu thủ Bình Định, Nirut quyết tâm đi học tiếng Việt và người thầy của anh chính là HLV Dương Ngọc Hùng. Ngoài ra, anh cũng được sự trợ giúp khá nhiều của cầu thủ Lê Thanh Phương. Nhờ vốn tiếng Anh khá đầy đặn mà Lê Thanh Phương đã có thể chỉ bảo cho Nirut khá nhiều. Khi tiếng Việt đã kha khá, Nirut còn nhờ Văn Phúc, Xuân Hùng và một số cầu thủ trẻ khác luyện âm. Bởi thế, bây giờ nếu ai đó chưa từng biết qua Nirut thì cũng thật dễ nhầm lẫn giữa anh với số cầu thủ Bình Định còn lại trong đội hình. Vì anh trò chuyện bằng giọng đặc sệt Bình Định.

Không chỉ nói giọng Bình Định, cả lối sinh hoạt và những hoạt động vui chơi, giải trí của Nirut cũng đặc sệt chất Bình Định. Không chỉ nghiện bánh tráng nước dừa Tam Quan, thỉnh thoảng nhâm nhi chút rượu Bầu Đá, Nirut còn đặc biệt thích bún riêu cua Qui Nhơn. Bởi vậy, mỗi sáng người dân phố biển thường thấy Nirut chạy tà tà trên chiếc xe wave tìm đến một tiệm ăn sáng bình dân trên đường Trần Hưng Đạo để điểm tâm bằng tô bún riêu.

Ở đội B.BĐ hiện nay, Nirut chơi rất thân với thủ môn Văn Phúc. Sau trận gặp B.BD ở vòng 12, được biết Văn Phúc về quê mua đất cất nhà, Nirut nằng nặc đòi đi theo. Mới sớm tinh mơ, anh đã gọn ghẽ trong chiếc áo sơ mi đứng chờ ở cầu thang và hét toáng lên: “Phúc ơi nhanh đi!”.

Về đến nhà thủ môn Văn Phúc, Nirut “dính” luôn bà nội của cầu thủ này và trò chuyện như một đứa cháu lâu lắm mới được về thăm nhà. Không những thế, anh chàng cầu thủ Thái Lan còn sà vào bếp phụ 2 cậu em trai của Phúc “bồ” làm bếp, khiến cho cả nhóm bất ngờ. Khi tiễn cả nhóm ra về, bà nội thủ môn Văn Phúc ra tận ngõ khen: “Chu cha cái thằng con nhà ai mà ăn nói hiền khô, lại lễ phép, không như thằng Phúc nhà bà cộc cằn. Mày mà chưa có vợ, tao gả cháu gái cho. Được thêm thằng cháu rể như mày thì quý quá!”.

Sau vận đen bị đày ải liên tục trên băng ghế dự bị từ đầu mùa, Nirut nửa đùa nửa thật: “Chắc tại năm nay tui chưa chịu cúng 3 ngài Tây Sơn tam kiệt”. Và trên đường về Qui Nhơn, khi cả nhóm đi ngang thị trấn Phú Phong, Nirut không quên nhắc các bạn ghé lại Bảo tàng Quang Trung, dừng chân trên điện thờ Tây Sơn tam kiệt thắp nén nhang ước cầu may mắn.


Ngôi sao đa tài

Mười năm chơi cho ĐTQG và chinh chiến ở hầu hết mọi mặt trận gian khổ đủ biến đội trưởng ĐT Thái Lan Nirut trở thành một ngôi sao bóng đá. Nhưng ít ai biết rằng thật ra Nirut còn suýt trở thành một ngôi sao cầu mây - môn thể thao hấp dẫn không kém bóng đá tại Thái Lan.

Trong 2 năm học lớp 8 và lớp 9 tại trường Sarasit Pittayalai, Nirut đã cùng với 2 người bạn là Suebsak Phansueb và Singha Somsakul tạo thành một bộ 3 bất bại tại các giải cầu mây học sinh trong nước. Sau này, do quá đam mê trái bóng tròn nên Nirut quyết định chia tay quả cầu mây để tập trung học chuyên sâu bóng đá. Trong khi đó, hai người còn lại là chủ công Suebsak Phansueb và phát cầu Singha Somsakul đều trở thành 2 siêu sao của cầu mây Thái Lan. Thậm chí, Suebsak Phansueb còn được xem là một huyền thoại của làng cầu mây Thái Lan từ trước đến nay.

Khi còn ở trường trung học, ngoài cầu mây và bóng đá, Nirut còn chơi bóng rổ, bóng bàn khá hay và cũng đều lọt vào đội tuyển trường trung học. Futsal Thái Lan hiện đang có những bước thăng tiến vượt bậc trên trường quốc tế (HCĐ World Cup 2008) và Nirut chính là một trong những “viên gạch” đầu tiên đóng góp vào sự phát triển vượt bậc ấy.

Số là năm 2002, giải futsal VĐQG Thái Lan lần đầu tiên được tổ chức để tuyển chọn nhân sự cho ĐTQG Thái Lan. Trong thời gian này, do giải bóng đá trong nước tạm nghỉ và ĐTQG ngừng tập trung nên Nirut, Chaiman cùng một số cầu thủ khác liền nhận lời mời chơi cho một số đội futsal để duy trì phong độ. Thật “không may” là Nirut và Chaiman đều lọt vào mắt xanh của HLV trưởng ĐT futsal và cả hai đã góp phần giúp ĐT Thái Lan lọt vào VCK World Cup 2002 (tại Guatemala). Chỉ đến khi cả hai xuất hiện trên truyền hình, HLV Chanvit mới biết chuyện và tất nhiên là vị HLV nghiêm khắc này lập tức bắt 2 “kẻ đào tẩu” quy hồi vị trí cũ. Thế là giấc mơ dự 1 VCK bóng đá của Nirut đành tan vỡ.

Tại đội B.BĐ, Nirut cũng là một tay chơi tennis thuộc hàng “thứ dữ” và thành tích đáng nể nhất của anh là trận thắng đậm khiến cựu HLV Dương Ngọc Hùng bong gối phải dưỡng thương gần 1 tuần lễ. Ngay cả một trò chơi đậm chất trí tuệ khác là đá bóng Play Station II, Nirut cũng không có đối thủ ở Bình Định.

Khánh Vinh
Mãi mãi là CĐV của Bình Định. Mãi mãi yêu Bình Định
bubi
Đội hình 2
Đội hình 2
 
Posts: 293
Joined: Sun Apr 13, 2008 10:44 pm
Location: Hà Nội
Blog: View Blog (13)
Top


Post a reply

Smilies
em22 em36 em26 em39 em29 em35 em31 em34 em32 :D :) ;) :( :o :shock: :? 8-) :lol: :x :P :oops: :cry: :evil: :twisted: :roll: :!: :?: :idea: :arrow: :| :mrgreen: :geek: :ugeek:
Quote Selected
 

Return to Bóng đá, dự đoán và bình... loạn

Who is online

Users browsing this forum: Alexa [Bot], buctuonglua_qn, giabao, Google [Bot], hugo_mitsubishi, only4u, robinson, songnhanclub, tieulamvy, vehangI, Yahoo [Bot] and 12 guests